“Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”

KHÔI NGUYÊN 10/06/2024 00:30

“Nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang xây dựng hiện nay sẽ không chỉ gây bất bình đẳng trong kinh doanh mà còn tạo “đất” cho doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường…”.

Đây là một trong những ý kiến kiến nghị của tập thể thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu liên quan tới nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (thay thế 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu trước đây là Nghị định 80, 95 và 83). Được biết, những góp ý, kiến nghị này cũng được tập thể thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ Tài chính, Tư pháp, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư.

>>Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích

HIIHIHIH

Các thương nhân phân phối xăng dầu lo ngại, nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang xây dựng hiện nay sẽ gây bất bình đẳng trong kinh doanh. Ảnh minh hoạ

Vẫn là những vấn đề không mới, tương tự các ý kiến đã được nêu tại một số hội thảo gần đây, các thương nhân tiếp tục bày tỏ lo ngại quy định tại dự thảo nghị định mới sẽ tạo “đất” cho doanh nghiệp lớn thống lĩnh thị trường, còn doanh nghiệp phân phối, bán lẻ sẽ không có lãi, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Các thương nhân này cho rằng, Ban Soạn thảo Nghị định vẫn thể hiện tư duy cũ khi bám theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nhưng thắt chặt hơn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thiếu tư duy đột phá về xây dựng thể chế quản lý và mô hình vận hành mới phù hợp với điều kiện đã thay đổi của thị trường xăng dầu.

Đơn cử, Dự thảo Nghị định tiếp tục phân loại doanh nghiệp gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ…, đi kèm là địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử quản lý khác nhau, trong đó thương nhân đầu mối được hưởng nhiều đặc quyền so với doanh nghiệp còn lại. Nhiều thương nhân lo tình trạng độc quyền kinh doanh tiếp diễn, dẫn đến nguy cơ thao túng thị trường, hạn chế cạnh tranh.

Phân tích rõ điều này trên báo Đầu tư, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai cho hay: “Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng, có doanh nghiệp là thương nhân đầu mối chiếm tới 51% thị phần, cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần, ‘bao sân’ toàn bộ từ nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ”.

Theo ông Phụng, hàng ngàn doanh nghiệp khác đang bị lệ thuộc vào các doanh nghiệp lớn có vị thế thống lĩnh này. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định theo hướng tiếp tục tạo lợi thế cho doanh nghiệp lớn bằng các đặc quyền thương mại, triệt tiêu cạnh tranh công bằng, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nhỏ.

Có thể thấy rõ sự phân biệt này khi Dự thảo Nghị định bắt buộc các thương nhân phân phối phải có và/hoặc thuê một hệ thống phân phối nhất định do một thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối làm chủ; thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”, không được mua từ các nhà cung cấp khác.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty cổ phần Xăng dầu Sài Gòn cho rằng, quy định đưa vào Dự thảo phải mở rộng quyền kinh doanh cho các đối tượng doanh nghiệp. “Hai năm nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu như người nằm trên giường bệnh, cực kỳ khó khăn. Nghị định 83/2014/NĐ-CP trước đó đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nếu kéo dài các điều kiện kinh doanh không theo hướng tạo động lực kinh doanh, doanh nghiệp bán lẻ sẽ mất hết sản nghiệp”, ông Hán nói.

>>Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?

IHIHIH

Các thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị Nhà nước cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Theo đó, tập thể thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu kiến nghị Nhà nước cần xây dựng mô hình và cơ chế quản lý, vận hành mới có tính cải cách đột phá đối với thị trường xăng dầu.

Theo Luật Đầu tư 2020, Bộ Công Thương chỉ có thẩm quyền trình Chính phủ ban hành một nghị định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, là mặt hàng thuộc danh mục ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được Quốc hội ban hành.

Tuy nhiên, dự thảo nghị định hiện nay không chỉ quy định về các điều kiện kinh doanh xăng dầu, mà đề cập đến toàn bộ quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cũng như cơ chế quản lý, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Do đó, đại diện doanh nghiệp phân phối xăng dầu đề nghị Nhà nước nên xây dựng Luật kinh doanh xăng dầu thay cho nghị định. Còn nếu tiếp tục xây dựng và ban hành nghị định cần bảo đảm tuân thủ các luật hiện hành, theo đó chỉ quy định duy nhất về điều kiện kinh doanh xăng dầu phù hợp với Luật Đầu tư 2020.

Tránh quy định có tính mở rộng và lấn sân, gây ra sự không phù hợp và chồng chéo về các chế định, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của quá trình thực thi pháp luật, cũng như hạn chế và gây khó khăn cho kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ xăng dầu”, nội dung kiến nghị nêu.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Vẫn “nóng” vấn đề cân bằng lợi ích

    03:00, 25/05/2024

  • Cần tư duy và cách tiếp cận khác với thị trường xăng dầu

    Cần tư duy và cách tiếp cận khác với thị trường xăng dầu

    04:00, 19/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cần hướng đến mục tiêu ổn định thị trường

    04:00, 16/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về sử dụng công cụ phái sinh

    04:00, 15/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định về dự trữ lưu thông

    03:30, 14/05/2024

  • Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá

    Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá

    03:30, 08/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang có vị thế không bình đẳng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO