Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá

GIA NGUYỄN 08/05/2024 03:30

Trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước được cho đã bám sát giá thế giới, góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề xuất, đã đến lúc cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

>> Sửa nghị định kinh doanh xăng dầu: Phải đổi mới cơ chế quản lý

Theo quy định hiện hành, việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá đang được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó quy định, không chi quỹ trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở ở kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở ở kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay được cho có nhiều tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay được cho có nhiều tồn tại, hạn chế - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, tại kỳ điều hành gần nhất vào ngày 17/4, giá xăng RON92 tăng 378 đồng/lít, lên 24.226 đồng/lít; xăng RON95 tăng 416 đồng/lít, lên 25.237đồng/lít, dầu mazut tăng 198 đồng/kg, lên 17.206 đồng/kg (dầu diesel, dầu hỏa giảm nhẹ), tuy nhiên, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không trích lập, đồng thời không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng, dầu.

Lý giải cho việc này, các đơn vị khẳng định, các quyết định trích lập và chi Quỹ bình ổn giá thời gian qua đều được thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, tạo dư địa để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp. Phương án điều hành giá xăng dầu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá hợp lý giữa xăng sinh học RON 92 và xăng khoáng RON 95.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, kể từ kỳ điều hành ngày 23/10/2023 đến tháng 4/2024, Liên Bộ Công Thương – Tài chính liên tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, trong khi số dư trên quỹ này hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước…

>> Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có 2 tiêu chí cần đảm bảo

Góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề xuất, cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến đề xuất, cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực tế đã nêu, góp ý xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn phù hợp, bởi thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.

Theo ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

Bên cạnh đó, cũng giảm thiểu rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu như trường hợp của một số thương nhân đầu mối như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… được phát hiện thời gian qua. Qua đó, góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ của doanh nghiệp.

“Chúng tôi biết là khó cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng về góc độ thị trường, chúng tôi đề nghị mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn. Quan sát chúng ta cũng thấy thời gian qua quỹ bình ổn hầu như không trích, chi sử dụng quỹ nhưng thị trường vẫn không sao”, ông Năm bày tỏ.

Đồng thời kiến nghị, nếu trong trường hợp vẫn tiếp tục duy trì quỹ bình ổn thì đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối, có quy định cụ thể để trích/chi quỹ và đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ để không làm ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) cũng đề xuất bỏ quỹ bình ổn.

Theo vị này, hiện nay giá thị trường xăng dầu lên xuống không theo quy luật, nhưng mỗi kỳ điều hành giá doanh nghiệp cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… bên cạnh đó, quỹ bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào, thì bản chất không phải bình ổn.

“Chúng ta xây dựng Quỹ với mục đích bình ổn cho người dân, nhưng hiện nay người dân không cảm nhận được, thì duy trì quỹ để làm gì. Do vậy, tôi kiến nghị nếu được thì bỏ quỹ bình ổn”, ông Dương bày tỏ.

Ngoài những ý kiến đã nêu, xoay quanh vấn đề này, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho hay, cần một quy chế quản lý mới thay vì duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong bày tỏ, với cách làm như hiện nay rất dễ tạo ra “vùng xám” trong quá trình trích lập Quỹ, xả Quỹ cũng như quá trình xin bù Quỹ cũng dễ tạo ra tham nhũng gian lận trong quá trình quản lý Quỹ này.

Do đó, vị chuyên gia này kiến nghị, cần thiết phải bỏ ngay quỹ bình ổn giá và hình thành thể chế quản lý giá theo hướng mới như lập quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia.

“Nếu muốn lập quỹ bình ổn định thì hãy lập Quỹ dự trữ xăng dầu quốc gia, an ninh xăng dầu quốc gia. Nó dựa trên ngân sách Nhà nước, dựa trên các nguồn khác và trích lập tập trung do Nhà nước hoặc một tổng công ty riêng nào đó quản lý để nó đảm bảo tách bạch sự tách biệt giữa cơ chế quản lý thương mại và cơ chế quản lý chính sách mà hiện nay các đầu mối thương mại xăng dầu đang phải đảm nhiệm cùng lúc. Đặc biệt tránh được những vùng tối, những cái thiếu sót, những cơ hội cho tham nhũng”, vị chuyên gia này cho hay.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, càng chấm dứt sớm hoạt động của Quỹ sẽ tốt cho thị trường. Đặc biệt, nên xây dựng phương án quản lý mới, lấy ý kiến phản biện một cách rộng rãi khoa học.

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?

    Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?

    03:50, 08/04/2024

  • Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    00:00, 01/02/2024

  • Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?

    Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Có nên duy trì Quỹ bình ổn giá?

    14:00, 31/01/2024

  • Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    Nghị định 80/2023 – Có ngăn được “trục lợi” Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    04:00, 24/12/2023

  • Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng

    Lo quỹ bình ổn giá xăng dầu bị chiếm dụng

    00:10, 24/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO