Bình Phước thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ
Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bình Phước đang ưu tiên thu hút đầu tư đối với 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử, dệt - may, sản xuất lắp ráp ô tô, da - giày, cơ khí chế tạo và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tăng sức cạnh tranh sản phẩm
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023, tỉnh Bình Phước sẽ phát triển công nghiệp nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin,… Đặc biệt, Bình Phước cũng chú trọng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Ông Võ Sá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngày càng mở rộng về quy mô và nâng cao công nghệ sản xuất, đóng góp lớn vào tỷ trọng phát triển công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của địa phương.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đang tập trung sản xuất các dòng sản phẩm linh kiện và phụ tùng, phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo, tiêu dùng; từng bước hình thành được hệ thống các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ. Đồng thời, tiếp nhận các hướng dẫn kỹ thuật, thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất có các hợp đồng thầu phụ với nhà sản xuất chính, các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ không phải đầu tư vào sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối, mà vẫn có thể tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghiệp có chất lượng cao.
Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 8/3/2024 về triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đề án này, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đạt 800 triệu USD; thu hút từ 1 - 2 doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn, có công nghệ và suất đầu tư cao vào các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, thu hút và phát triển 6 phân ngành công nghiệp hỗ trợ: điện tử; dệt may; sản xuất lắp ráp ô tô; da giày; cơ khí chế tạo; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng 14,53% so với cùng kỳ năm 2023.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm từng bước cung ứng nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, qua đó tăng sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp của tỉnh theo hướng vừa mở rộng, vừa phát triển theo chiều sâu. Tỉnh Bình Phước ưu tiên đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các phân ngành công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử; lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo để bổ trợ phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho xúc tiến đầu tư; tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách và cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Phước chủ trì phát triển nguồn vốn ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tiếp cận và tham gia chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Đặc biệt, UBND tỉnh giao Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác để chuyên môn hóa sản xuất các linh kiện, phụ tùng với số lượng lớn tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo đảm yêu cầu chất lượng của nhà lắp ráp, tiến tới hoàn thiện các mẫu sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh. Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì bố trí quỹ đất cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp, khu kinh tế tận dụng lợi thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế với kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ và chi phí thuê đất có giá cạnh tranh so với các tỉnh trong khu vực…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi, hiện nay, tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, tỉnh cũng rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo định hướng phát triển các phân ngành có thứ tự ưu tiên trong từng giai đoạn; khai thác tối đa ưu đãi phát triển của Chính phủ dành cho công nghiệp hỗ trợ khi phát triển thêm sản phẩm mới và thêm thị trường mới.
Bình Phước cũng ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, sản xuất các sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa của tỉnh cũng như của cả nước. Đồng thời, lấy doanh nghiệp lớn làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng nhằm góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm