Triển vọng tích cực thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam

ĐÌNH ĐẠI 15/06/2024 04:30

Theo TPS, triển vọng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong những năm tới sẽ rất khả quan khi thu nhập người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi.

>>>Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi "kêu cứu"

Triển vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những năm tới rất khả quan khi thu nhập người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi, qua đó thúc đẩy sức tiêu thụ thức ăn chăn nuôi - Ảnh minh họa.

Triển vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những năm tới rất khả quan khi thu nhập người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi, qua đó thúc đẩy sức tiêu thụ thức ăn chăn nuôi - Ảnh minh họa.

Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), giá trị ngành chăn nuôi năm 2023 đóng góp khoảng 26% GDP nông nghiệp của Việt Nam. Trong đó, ngành chăn nuôi heo chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Sản lượng chăn nuôi đang trong xu hướng ngày càng ổn định khi hình thức chăn nuôi trang trại ngày càng tăng, thị phần chăn nuôi trang trại tăng từ 30% vào năm 2014 lên 51% vào năm 2023.

TPS đánh giá, tình hình sản xuất trong nước vẫn khá tích cực, đàn heo có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt heo hơi tăng và tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng đàn heo cả nước đã tăng 3,7% so với cùng kỳ. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, tổng đàn heo cả nước năm 2024 ước tính khoảng 28,6 – 28,7 triệu con, tương ứng với sản lượng heo hơi dự kiến khoảng 4,86 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ. USDA dự báo, sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Giá heo có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung chưa tái đàn kịp thời sau dịch tả heo châu Phi (ASF). Giá heo hơi trung bình đã tăng khoảng 1,2% - 3,2% trong tháng 4 và dự kiến tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới. Hiện nay, giá heo hơi cả nước đang giao dịch trong khoảng 60.000 – 64.000 đồng/Kg.

Giá heo hơi được kỳ vọng tăng lên khoảng 70.000 đồng/kg vào cuối quý II này và có thể duy trì tới cuối năm 2024 do các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau đợt dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá thịt heo cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng dẫn tới tiêu thụ chậm nhưng không ảnh hưởng nhiều tới giá của heo hơi.

Cũng theo TPS, tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2023 là 27,7 kg/người/năm và là quốc gia cao nhất châu Á. Theo dự báo của USDA, sản lượng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2024 dự kiến khoảng 3,8 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. USDA cũng dự báo, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh về tiêu thụ thịt heo trong giai đoạn 2023 – 2030. Sản lượng thịt heo được tiêu thụ ở Việt Nam vào năm 2030 kỳ vọng tăng 30% so với năm 2023. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, tiêu thụ thịt heo có thể sẽ chậm lại do thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng.

Về nhập khẩu, TPS cho biết, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11.450 tấn thịt heo, trị giá 25,98 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ về lượng và 18,9% so với cùng kỳ về giá trị trong quý I/2024. Nhập khẩu thịt heo giảm do tiêu thụ thịt heo trong nước đang chậm lại, trong khi sản lượng heo liên tục phục hồi. Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu từ Brazil trong quý I/2024 khoảng 4.200 tấn, tương ứng 9,53 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ về lượng và 2,8% về giá trị.

Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài, ước tính chiếm khoảng 65% tổng cầu của cả nước. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm: lúa mỳ, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc) trên 10,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu từ Brazil là 26%, từ Argentina là 23%, từ Hoa Kỳ là 13%. Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 là 3,6 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Cục Chăn nuôi cũng cho thấy, sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2023 ước đạt 20 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thức ăn cho heo chiếm 55,7%, thức ăn cho gia cầm chiếm 40,8% và thức ăn cho các vật nuôi khác chiếm khoảng 3,4%. Cơ cấu sản lượng thức ăn công nghiệp từ doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 62,5% và các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 37,5%.

Tính từ 2018 đến nay, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng dần tỷ trọng. Hiện nay, cả nước có khoảng 269 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp dạng hỗn hợp hoàn chỉnh, trong đó có 90 nhà máy FDI, chiếm khoảng 51,3% về công suất thiết kế và 179 nhà máy thuộc sở hữu các doanh nghiệp trong nước, chiếm khoảng 48,7% về công suất thiết kế.

“Triển vọng sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những năm tới rất khả quan khi thu nhập người tiêu dùng ngày càng tăng sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn các sản phẩm chăn nuôi, qua đó thúc đẩy sức tiêu thụ thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, xu hướng chăn nuôi trang trại ngày càng tăng cũng là cơ hội cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp”, TPS nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi

    Hàng ngoại nhập lậu ồ ạt, doanh nghiệp ngành chăn nuôi "kêu cứu"

    15:00, 14/03/2024

  • Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn chưa hết lao đao

    Doanh nghiệp ngành chăn nuôi vẫn chưa hết lao đao

    04:30, 30/11/2023

  • Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã qua thời khó khăn?

    Doanh nghiệp ngành chăn nuôi đã qua thời khó khăn?

    04:02, 31/05/2023

  • “Cứu” ngành chăn nuôi gia cầm

    “Cứu” ngành chăn nuôi gia cầm

    12:01, 19/05/2023

  • Ngành chăn nuôi gia cầm kêu cứu

    Ngành chăn nuôi gia cầm kêu cứu

    03:30, 28/04/2023

ĐÌNH ĐẠI