Tỉnh Thái Nguyên: hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 6,03% so với cùng kỳ.
>>> PCI Thái Nguyên 2023: Doanh nghiệp đánh giá thế nào?
Đó là chia sẻ của ông Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông cho biết, các chỉ tiêu thu ngân sách, xuất, nhập khẩu cơ bản đạt theo tiến độ kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 424.430 tỷ đồng, tăng trên 6,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 27.063,6 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, bằng 52,5% kế hoạch năm. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 9.228 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, bằng 57,2% dự toán Chính phủ giao, bằng 47,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 1,79% so với 31/12/2023. Toàn tỉnh có 418 doanh nghiệp được cấp mới đăng ký kinh doanh, với số vốn đăng ký là 3.897 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 10.176 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 148.200 tỷ đồng.
Đổi mới xúc tiến đầu tư
Ông Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, cho biết, mong muốn của tỉnh là thu hút các nhà đầu tư có uy tín và đủ năng lực tài chính; ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm CN; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về CN chế tạo, điện tử, bán dẫn, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN mới thành lập.
Tỉnh đã xây dựng và đang triển khai thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ, đột phá như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn thuộc Liên minh Châu Âu, các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Trung Quốc, Thái Lan...
Cùng với đó là quan tâm cập nhật và lan tỏa hình ảnh tiềm năng, thế mạnh đầu tư của tỉnh; số hóa việc giới thiệu về các định hướng, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư, lao động, hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhà đầu tư.
Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư; thúc đẩy hỗ trợ TTHC, đào tạo lao động, hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư. Định kỳ xây dựng và công bố rộng rãi danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; tăng cường công tác GPMB, xây dựng hạ tầng khu, cụm CN, giao thông để thúc đẩy hoạt động đầu tư...
Xúc tiến đầu tư luôn được xem là chìa khóa hút dòng vốn đổ về địa phương. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, phương án tối ưu đó chính là hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những cam kết đầu tư của địa phương đối với nhà đầu tư.
Về thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách: Trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 06 dự án với tổng số vốn 1.866 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 06 dự án với tổng số vốn 3.489 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhân đăng ký đầu tư cho 01 dự án với số vốn 3.985,5 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 01 dự án với số vốn 0,5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 886 dự án với số vốn đăng ký 184.946 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 09 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 478,7 triệu USD, 05 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 19,3 triệu USD. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về kết quả thu hút vốn đầu tư FDI trong 5 tháng đầu năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư lớn vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 218 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,2 tỷ USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt thêm 06 dự án cụm công nghiệp (CNN) với tổng mức đầu tư 4.185,8 tỷ đổng, tổng diện tích gần 359 ha. Tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 27/41 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng là 10.216,8 tỷ đồng; trong đó có 11 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 63 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 9.492,7 tỷ đồng.
Điểm đến chủ yếu của dòng vốn FDI khi vào Thái Nguyên vẫn là các khu công nghiệp (KCN). Trưởng ban Quản lý Khu công Thái Nguyên, Lê Kim Phúc cho biết, thời gian qua Ban đã đón và làm việc với hơn 100 lượt nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan,… tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 06 KCN; trong đó 05 KCN đang duy trì hoạt động ổn định và KCN Sông Công II - giai đoạn 2 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2024. Hiện nay, UBND thành phố Sông Công đang nỗ lực triển khai công tác bồi thường, GPMB, tái định cư để trình hồ sơ giao đất (đợt 1) trong tháng 6/2024 và dự kiến khởi công dự án vào tháng 10/2024 theo kế hoạch. Lũy kế trong các KCN có 310 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 173 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư hơn 10,8 tỷ USD và 137 dự án DDI với số vốn đăng ký đầu tư 21.376 tỷ đồng.
Phấn đấu thực hiện vượt các mục tiêu cuối năm 2024
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 7,5%/năm cũng gặp rất nhiều khó khăn; theo tính toán, để đạt mức này thì tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,75%...
Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng cuối năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã yêu cầu: Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16/5/2024 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Trong đó nhấn mạnh: Thực hiện tốt công tác quản lý thu, chi ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024; Triển khai cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng mới được phê duyệt và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh; hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Khẩn trương triển khai các bước tiếp theo của 05 KCN và 01 Khu công nghệ thông tin tập trung đã được HĐND tỉnh thông qua quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các khu, CCN mới, đặc biệt là dự án KCN Sông Công II - giai đoạn 2; Tăng cường công tác thu hút đầu tư, trong đó chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công nghệ cao, tạo năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.
>>> Tỉnh Thái Nguyên tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư
>>> Thái Nguyên: Cải cách hành chính tạo sự hài lòng người dân và doanh nghiệp
Tăng cường kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập trung vào kiểm tra việc “tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp”...;
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2024, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của đơn vị, địa phương. Giao Sở Nội vụ căn cứ kết quả giải ngân của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư để xem xét trong việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CBCC. Không đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có tiến độ giải ngân thấp;
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ngày 15/5/2024; Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, hạ tầng kỹ thuật trong đô thị,... xây dựng các đô thị văn minh, hiện đại.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS). Tập trung hỗ trợ việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng Nông thôn mới huyện Phú Lương đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm 2024...
Với những kết quả đạt được, mục tiêu, giải pháp đề ra, tin tưởng Tỉnh Thái Nguyên sẽ đạt và vượt mọi kế hoạch, lĩnh vực đề ra trong năm 2024. Ông Hùng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thái Nguyên tiên phong trong chuyển đổi số
07:57, 10/06/2024
Thái Nguyên: Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững mạnh
07:20, 14/06/2024
Thái Nguyên: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
11:36, 14/06/2024
Thái Nguyên: Tìm giải pháp nâng cao chỉ số Đào tạo lao động
14:54, 07/06/2024
Thái Nguyên: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển Khoa học và Công nghệ
16:09, 15/05/2024