Thái Bình: Phát triển thị trường bất động sản để hút các dự án công nghệ cao
Tỉnh Thái Bình mong muốn Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh thu hút được các dự án lớn, công nghệ cao đầu từ vào khu kinh tế, khu công nghiệp.
>>>Thái Bình: Quảng bá tiềm năng, thế mạnh đến nhà đầu tư FDI qua kênh truyền thông quốc tế
>>>Thái Bình: Doanh nghiệp “khát” nhân lực chất lượng cao
Đó là nội dung được đưa ra tại cuộc làm việc mới đây giữa UBND tỉnh Thái Bình với Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam liên quan đến việc tìm hiểu và trao đổi về đầu tư phát triển khu công nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, tại cuộc làm việc, hai bên đã trao đổi những nội dung liên quan đến kết quả thu hút đầu tư, quy hoạch, định hướng phát triển khu kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phía tỉnh Thái Bình đã đi sâu cung cấp thông tin về diện tích, hạ tầng, cơ chế, chính sách ưu đãi, kết quả thu hút đầu tư, những tiềm năng, thế mạnh của một số khu công nghiệp như: Liên Hà Thái, Hải Long, Tiền Hải, VSIP, Dược – sinh học… Đồng thời, thông tin về quy hoạch phát triển của tỉnh Thái Bình, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, công tác đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp như giao thông, nguồn điện, xử lý nước sạch, quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị và các dịch vụ thương mại, du lịch, giải trí…
Ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các nhà đầu tư đến Thái Bình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phát triển thịnh vượng. Tỉnh Thái Bình mong muốn với kinh nghiệm và thế mạnh tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới, Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ hỗ trợ tỉnh thu hút được các dự án lớn, công nghệ cao đầu từ vào khu kinh tế và các khu công nghiệp. Đồng thời, hai bên cần tăng cường gặp gỡ, trao đổi thông tin giúp tỉnh bứt phá phát triển ngành công nghiệp.
Về phía Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, từ thực tiễn hoạt động của mình, các doanh nghiệp thành viên của Liên Chi hội đã chia sẻ một số yếu tố then chốt để thu hút được các dự án công nghệ cao như mặt bằng sạch, diện tích đất đủ lớn, vị trí gần sân bay, cảng biển, giao thông kết nối thuận lợi, hệ thống xử lý nước sạch tốt, ưu tiên sử dụng điện tái tạo, các dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu chuyên gia.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Cố vấn cao cấp Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư FDI nhưng chưa có nhiều dự án về điện tử công nghệ cao thuộc ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip. Hiện tỉnh Thái Bình có nhiều thế mạnh về quỹ đất dành cho công nghiệp, nguồn năng lượng dồi dào, có hệ thống xử lý nước sạch và giao thông kết nối đồng bộ. Phía Liên Chi hội mong muốn được đồng hành với tỉnh Thái Bình trong hoạch định phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, thu hút đầu tư hướng tới mục tiêu đưa Thái Bình trở thành địa bàn đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, thủ phủ của ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trước những chia sẻ của Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình cho biết, những ý tưởng đồng hành cùng tỉnh Thái Bình đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, quy hoạch phát triển khu công nghiệp công nghệ cao và siêu cao của Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam phù hợp với mong muốn, định hướng phát triển của tỉnh hiện nay và cả thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng theo ông Hưng, tỉnh Thái Bình giao Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh là đầu mối tiếp nhận, trao đổi, cung cấp thông tin cho Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam phục vụ công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phục vụ phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Được biết, theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó, tỉnh quy hoạch ưu tiên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc và các khu công nghiệp khác trong khu kinh tế Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, thu hút đầu tư, hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ công nghệ cao.
Hiện địa phương này có hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển đều khắp trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả hệ thống giao thông kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có 10 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư. Ngoài ra, địa phương này sẽ quy hoạch phát triển thêm 13 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.574ha. Đây là dư địa lớn để tỉnh Thái Bình phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, hút các dự án công nghệ cao trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm