Cần thể hiện rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc hoàn thuế
Để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, giảm thiểu các rủi ro, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm các bên liên quan…
>> Hoàn thuế GTGT: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ... rà soát hồ sơ
Theo đó, mặc dù Luật Quản lý thuế đã quy định khá rõ ràng thời hạn hoàn thuế, nhưng thực tế thời gian qua, việc hoàn thuế vẫn liên tục trở thành tâm điểm của dư luận, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, khó tiếp cận nhưng số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra đóng thuế lại chậm được hoàn.
Trước hiện trạng đã nêu, không ít ý kiến cho hay, việc thắt chặt rà soát để tránh các hành vi gian lận, thiếu tuân thủ đúng quy định pháp luật gây thất thoát ngân sách Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên, quyền lợi của người nộp thuế cũng cần được đảm bảo. Đáng nói, quy định của Luật Quản lý thuế cũng rất rõ ràng, hoàn trước kiểm sau hoặc kiểm trước hoàn sau cùng với đó là thời gian cụ thể, vậy mà quá trình tổ chức thực hiện vậy có những vấn đề phát sinh.
Để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, giảm thiểu các rủi ro, góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm các bên liên quan…
Theo đại biểu Đào Chí Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, Luật Quản lý thuế đã quy định về thủ tục hoàn thuế, trong đó quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục hoàn thuế. Tuy nhiên, việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quản lý thuế mới chỉ quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế mà chưa quy định cụ thể trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Thời gian qua, một số vụ án hình sự về hoàn thuế có liên quan đến công chức thuế đã được đưa ra xét xử. Thực tế, doanh nghiệp cố tình thành lập doanh nghiệp “ma” cả trong và ngoài nước nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hoàn thuế đầy đủ theo quy định. Trong khi đó, thời gian hoàn thuế trước, kiểm tra sau là 6 ngày; kiểm tra trước, hoàn thuế sau là 40 ngày nên cơ quan thuế không đủ thời gian và thẩm quyền để điều tra, xác minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Vì vậy, để bảo đảm việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được kịp thời, tăng cường hậu kiểm sau hoàn thuế, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) thể hiện rõ hơn quy định về trách nhiệm của cơ quan thuế trong xử lý hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo hướng: Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế; người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ hoàn thuế và vi phạm (nếu có).
>>Hoàn thuế GTGT: Đảm bảo giải quyết đúng hạn
Xoay quanh vấn đề hoàn thuế, trước đó một số ý kiến cũng cho rằng, việc cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp, như hình thức chiếm dụng vốn của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp không có nguồn tài chính kịp để tái sản xuất, thiệt hại này đến nay không thể đong đếm được. Trong thực thi việc thu thuế, dường như đang tập trung “tội” của doanh nghiệp nhiều hơn, mà chưa hề xem xét vai trò trách nhiệm của ngành thuế chậm hoàn thuế gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Điều này cũng cần đặt vấn đề và nên công bằng với doanh nghiệp hơn.
Liên quan đến quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề chịu trách nhiệm của cán bộ thuế và hành vi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc nêu rõ, trách nhiệm của cơ quan thuế hay doanh nghiệp cũng cần rạch ròi, theo nguyên tắc “ai sai người đó chịu trách nhiệm”, không thể để xảy ra tình trạng doanh nghiệp làm sai nhưng công chức thuế chịu trách nhiệm, bên cạnh đó cũng nên để cơ quan thuế có quyền điều tra xác minh để làm rõ trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng, dựa trên hồ sơ hoàn thuế nhưng nếu doanh nghiệp đưa hoá đơn giả vào, cơ quan thuế không thể tìm ra được nguồn gốc trong thời gian rất ngắn. Trong khi quy định, hoàn thuế trước kiểm tra sau chỉ có 6 ngày hay hoàn sau kiểm tra trước là 40 ngày phải hoàn thuế. Do đó, cần phải quy định rõ trách nhiệm trong vấn đề này, làm rõ chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác, giới hạn trách nhiệm để đảm bảo rạch ròi, “người làm gian dối phải chịu trách nhiệm”.
Được biết, liên quan đến trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) hiện quy định: Người nộp thuế hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đầy đủ, đúng mẫu biểu, tính chính xác, trung thực, tính pháp lý của các thông tin, tài liệu, số liệu trong hồ sơ hoàn thuế và các tài liệu cung cấp cho cơ quan thuế trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Cơ quan thuế có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước hoặc kiểm tra trước hoàn thuế và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Công chức thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, pháp luật về quản lý thuế và trong phạm vi hồ sơ, tài liệu của người nộp thuế cung cấp.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thuế GTGT: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chờ... rà soát hồ sơ
11:30, 28/05/2024
Vì sao AGM bị thu hồi hơn 45 tỷ đồng tiền hoàn thuế?
03:37, 21/05/2024
Hoàn thuế GTGT: Đảm bảo giải quyết đúng hạn
15:00, 10/04/2024
Ngăn chặn gian lận từ hoàn thuế
15:40, 09/04/2024
Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp thuỷ sản?
02:00, 27/02/2024