Thái Bình: Chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU
Thời gian qua tỉnh Thái Bình đang đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp vì mục tiêu chống “thẻ đỏ”, giành lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản, hướng tới phát triển bền vững.
>>>Thái Bình: Thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với các vùng của Bỉ
Chung tay gỡ ...
Dự kiến tháng 6/2024 Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Những ngày này, Thái Bình cùng 27 tỉnh, thành phố ven biển đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp vì mục tiêu chống “thẻ đỏ”, giành lại “thẻ xanh” cho ngành thủy sản.
Năm 2017 là năm rất khó khăn với ngành thủy sản Việt Nam khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hơn 6 năm qua, từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương, trong đó có tỉnh Thái Bình đã có nhiều nỗ lực để khắc phục. Song nỗi lo đổi màu sang cảnh báo đỏ vẫn thường trực khi các khuyến nghị vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Chương trình chống khai thác IUU được EC ban hành năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá trái quy định IUU sẽ bị phạt “thẻ vàng” cảnh cáo trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp các quốc gia này không có biện pháp khắc phục phù hợp thì có nguy cơ nhận “thẻ đỏ”, đồng nghĩa với việc bị cấm dài hạn việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu. Ngày 23/10/2017, EC đã quyết định “rút thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc trong chương trình chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, đã 4 lần đoàn công tác của EC sang làm việc để kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác IUU, cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ bởi vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Có mặt tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy) khi các tàu đánh bắt hải sản đang chờ cập bến sau chuyến ra khơi. Qua câu chuyện với ngư dân tại đây, chúng tôi được biết hàng nghìn lao động địa phương theo nghề biển một cách tự phát, “cha truyền con nối” nên luôn tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, sản lượng khai thác bấp bênh, thường xuyên khai thác sai vùng quy định.
Gắn bó với biển đã hàng chục năm, ông Nguyễn Văn Nam – Tiền Hải cho biết: Chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề biển và nhờ biển. Nhiều năm trước, tàu thuyền khai thác tự do dẫn đến sản lượng đánh bắt giảm mạnh, nhiều tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ phải trở về tay không, không đủ chi phí nhân công, nguyên liệu. Đã có nhiều chủ tàu không muốn hoặc không thể vươn khơi, nhưng cũng có nhiều người bất chấp nguy hiểm, đánh liều đi xa hơn để tìm nguồn hải sản với hy vọng cải thiện sản lượng. Việc đi đến những vùng biển xa hơn luôn tiềm ẩn hiểm nguy, nhất là với tàu công suất nhỏ.
Tình trạng khai thác theo kinh nghiệm, thói quen, không theo quy định của ngư dân tại các vùng biển không chỉ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm Luật Thủy sản và quy định về chống khai thác IUU.
Do nhận thức của nhiều chủ tàu, thuyền viên, tình trạng không ghi nhật ký khai thác theo quy định cũng diễn ra phổ biến. Nhật ký thành hồi ký mà theo giải thích của chủ tàu cho rằng quá trình khai thác đã được lưu trên thiết bị giám sát hành trình; hơn nữa, tàu chỉ chú trọng tới khai thác để bảo đảm thu nhập, chưa ý thức được sự cần thiết của việc ghi chép nhật ký khai thác.
Vì mục tiêu
Cùng với mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản vào cuối năm nay, thời gian Thái Bình đã có những hoạt động giám sát, theo dõi, điều chỉnh kịp thời đối với các tàu thuyền cá ngay từ cảng tới các khu vực và hoạt động đánh bắt ngoài khơi.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển khẩn trương thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn liên quan; phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ngăn chặn, xử lý không để tàu cá địa phương vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý tàu cá kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương và tàu cá của tỉnh khác hoạt động tại địa phương; tập trung cao điểm thực thi pháp luật, xử phạt triệt để các hành vi khai thác IUU.
Đặc biệt, các cảng cá của 28 địa phương có biển tuân thủ việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Các tỉnh có thể điều động, luân chuyển, biệt phái đảm bảo bố trí đủ nhân lực, kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý tàu cá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Thái Bình có 52km bờ biển. Đây là tiềm năng, thế mạnh để Thái Bình phát triển khai thác hải sản. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Đến nay tỉnh chưa phát hiện tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ. Hoạt động kiểm soát tàu cá ra vào các cảng cá, bến cá cũng như quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản được tăng cường.
Toàn tỉnh hiện có 715 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, 100% tàu cá được kẻ biển, đánh dấu theo quy định. Trong đó, 99,4% tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định. 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên được kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật.
Tuy nhiên, tại cuộc kiểm tra kết quả thực hiện chống khai thác IUU tại Thái Bình đầu năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục. Đặc biệt, tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) cao.
Từ ngày 1/1 - 28/3/2024, toàn tỉnh có 135 lượt/57 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên mất kết nối trên 6 giờ trên biển và trên 10 ngày trên biển. Xác minh nguyên nhân mất kết nối do đường truyền của nhà cung cấp, hỏng ắc quy, Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá việc tàu cá đã lắp thiết bị VMS nhưng không duy trì hoạt động gây khó khăn trong việc kiểm soát của cơ quan quản lý, đặc biệt là việc kiểm soát tàu ra vào cảng chỉ định - một trong những quy định bắt buộc với tàu trên 15m, theo Luật Thủy sản 2017.
Thực hiện Kế hoạch số 30/ KH-UBND, ngày 6/2/2024 của UBND tỉnh Thái Bình về triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh tổ chức đợt kiểm tra thực tế công tác triển khai thực hiện tại hai huyện và các xã, thị trấn ven biển.
Nhiều hạn chế được chỉ ra như chưa thực hiện giám sát sản lượng khai thác thủy sản đúng theo quy trình; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá chưa bảo đảm; tàu cá vi phạm không có tín hiệu VMS nhưng vẫn xác nhận chứng nhận cho tàu đi khai thác. Tại các địa phương có tàu cá, công tác quản lý tàu chưa chặt chẽ, chưa xử lý và có báo cáo kết quả xử lý với tàu cá vi phạm mất kết nối VMS trên 6 giờ và trên 10 ngày trên biển.
Được biết, dự kiến tháng 6/2024 EC sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế lần thứ 5 về chống khai thác IUU để xem xét gỡ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Mặc dù số lượng tàu cá khai thác hải sản của tỉnh không lớn nhưng đoàn EC sẽ lựa chọn kiểm tra ngẫu nhiên trong 28 tỉnh, thành phố ven biển. Từ nay đến tháng 6/2024 là thời điểm vàng để Thái Bình nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng” IUU.
Có thể bạn quan tâm