Giải pháp tài chính chuỗi cung ứng dược bền vững
Với việc “bắt tay” cùng ngân hàng cho mục đích tài trợ chuỗi cung ứng trong ngành dược phẩm, nền tảng khởi nghiệp công nghệ y tế đang có những bước đi mới hướng đến mô hình tài chính bền vững.
Mới đây, Buymed - nền tảng khởi nghiệp trong ngành công nghệ y tế hàng đầu tại Việt Nam với website Thuocsi.vn đã công bố quan hệ hợp tác chiến lược với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), nhằm mục đích tài trợ chuỗi cung ứng (supply chain finance - SCF) trong ngành dược phẩm.
“Bắt tay” vì SCF?
Theo đó, quan hệ hợp tác này sẽ tận dụng thế mạnh phát triển và cấu trúc các giải pháp tài chính linh hoạt của ABBANK cùng nền tảng công nghệ để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho chuỗi cung ứng rộng lớn trong ngành dược phẩm.
Cụ thể, các đơn vị đạt tiêu chuẩn đã thống nhất giữa hai bên, bao gồm hơn 35.000 nhà thuốc tư nhân hoạt động theo mô hình bán lẻ hộ gia đình, các nhà cung cấp, đơn vị kho vận và cả hệ thống giao nhận sản phẩm của Buymed sẽ được ABBANK cấp tín dụng với các điều kiện ưu đãi dựa trên dữ liệu lớn mà Buymed đang sở hữu.
Về cơ bản, thỏa thuận này hướng đến mô hình tài trợ “tài chính chuỗi cung ứng bền vững”, một trong những mô hình tài chính tiên tiến nhất thế giới hiện nay, mở ra nhiều cơ hội lớn góp phần cải tiến hệ thống phân phối dược phẩm và việc chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh Hoàng, đồng sáng lập kiêm CEO của Buymed, thỏa thuận này sẽ tối ưu hóa nguồn vốn lưu động và củng cố hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe của nền tảng. Đây cũng chính là một phần quan trọng trong chiến lược ESG (phát triển kinh doanh bền vững kết hợp với quan tâm đến môi trường, xã hội và quản trị) mà nền tảng khởi nghiệp trong ngành công nghệ y tế hàng đầu tại Việt Nam đang hướng đến.
Trong khi đó, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBANK cũng cho rằng, quan hệ đối tác của ABBANK với Buymed là minh chứng cho cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp đề cao trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững, mở ra những cơ hội mới cho tăng trưởng toàn diện và thịnh vượng chung.
ESG là điều cần thiết
Ngày nay, các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang nhanh chóng trở thành một từ khóa thông dụng trong thế giới tài chính. Nó đang thay đổi cách các doanh nghiệp vận hành, đầu tư và thậm chí cấp vốn cho chuỗi cung ứng của mình. Trong lĩnh vực tài chính chuỗi cung ứng (SCF), việc cân nhắc ESG không còn là điều xa xỉ mà là điều cần thiết.
Trước đây còn được gọi là “bao thanh toán ngược”, SCF là một trong những sản phẩm hiện đang thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của cả ngân hàng và khách hàng doanh nghiệp. Nó cho phép các tập đoàn lớn tận dụng xếp hạng tín dụng vượt trội của họ để cung cấp vốn lưu động cho các nhà cung cấp thông qua các ngân hàng đối tác, một quá trình được hỗ trợ bởi sự ra đời của một loạt nền tảng fintech dựa trên đám mây và blockchain mới.
Khi các công ty đa quốc gia chịu áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và khách hàng trong việc chịu trách nhiệm về tác động môi trường, xã hội và quản trị của chuỗi cung ứng của họ, các chương trình SCF đưa ra một cách hiệu quả để cải thiện việc công bố thông tin về tính bền vững và khuyến khích cải tiến trong các lĩnh vực như giảm phát thải.
Thí dụ, một sáng kiến mang tính đột phá do Puma đưa ra vào năm 2016, hợp tác với BNP Paribas và IFC, mang lại chi phí tài chính thấp hơn cho những nhà cung cấp đạt được điểm bền vững cao trên hệ thống xếp hạng nội bộ của gã khổng lồ quần áo thể thao. Trong cùng năm đó, UK Bank cũng tham gia vào việc tạo ra chương trình SCF bền vững cho Walmart, như một phần trong nỗ lực Dự án Gigaton của gã khổng lồ bán lẻ Hoa Kỳ nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ chuỗi cung ứng toàn cầu của mình xuống một tỷ tấn từ năm 2017 đến năm 2030.
Trên thực tế, có nhiều lý do khiến ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng trong tài chính chuỗi cung ứng. Đầu tiên chính là việc các yếu tố ESG thể hiện những rủi ro tiềm ẩn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp. Bằng cách tích hợp ESG vào quá trình ra quyết định của SCF, doanh nghiệp có thể xác định và giảm thiểu những rủi ro này, tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng của họ.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng và nhà đầu tư ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp thể hiện cam kết về tính bền vững và trách nhiệm xã hội. Áp dụng ESG trong SCF có thể nâng cao danh tiếng của công ty, thu hút khách hàng và nhà đầu tư mới, đồng thời củng cố lòng trung thành với thương hiệu.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính đang kết hợp các tiêu chí ESG vào các quyết định cho vay và đầu tư của họ. Các công ty có hiệu suất ESG mạnh mẽ có thể tiếp cận nhiều hơn với các điều khoản tài chính thuận lợi và nhiều giải pháp SCF hơn.
Thời điểm này, với sự kết hợp để cung cấp giải pháp tài chính giữa Buymed và ABBANK, bao gồm tín dụng, thanh toán không tiền mặt và thấu chi, không chỉ giúp các bên liên quan trong chuỗi giá trị hưởng lợi từ việc có thêm nguồn lực, khách hàng mà còn các doanh nghiệp có thể thể hiện cam kết của mình đối với việc tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm, thu hút những khách hàng coi trọng tính bền vững và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Có thể bạn quan tâm