Đà Nẵng làm gì để thu hút doanh nghiệp ICT?
Đà Nẵng đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để thu hút doanh nghiệp ICT đến và phát triển.
>>Đà Nẵng lên kế hoạch “hút” vốn đầu tư
Theo số liệu, ngành công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng đang có chiều tăng trưởng nhanh, bền vững về cả doanh thu và sản lượng, là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.
Sẵn sàng hạ tầng
Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin năm 2023 đạt 36.571 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 147,8 triệu USD. Theo đó, kinh tế số đóng góp khoảng 20% cơ cấu GRDP toàn thành phố, hiện Đà Nẵng đang có 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân (đứng thứ hai sau TP. HCM, gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc), số lượng nhân lực công nghệ số khoảng 53.000 người.
Tại Đà Nẵng hiện nay cũng đang có trên 12 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghệ với gần 1.200 nhân lực tham gia vào lĩnh vực sản xuất Game trong các công đoạn từ Họa sỹ (Game Artist), biên kịch (Game Writer), kiểm thử (Game Tester), lập trình (Game Developer) và cung cấp một số sản phẩm Game trên 2 kho ứng dụng (store) lớn nhất là Google và Apple. Về hạ tầng, Đà nẵng có 03 khu CNTT tập trung đang hoạt động, gồm Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng với 2.200 nhân lực, lấp đầy 100%, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng, Khu FPT Complex hiện có hơn 6.500 nhân lực và Khu Công viên phần mềm số 2 dự kiến thu hút 6.000 nhân lực đang hoàn thiện.
Thông tin từ ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cuối năm 2023 thành phố đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và xúc tiến đầu tư, kết nối các tập đoàn, cơ sở đào tạo, đối tác trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đang xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo, trong đó chú trọng công đoạn thiết kế chip và lắp ráp, kiểm thử, đóng gói.
Theo mục tiêu của địa phương, đến năm 2030 Đà Nẵng có tối thiểu 5000 nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn với 1.500 nhân lực thiết kế vi mạch và 3.500 nhân lực về đóng gói, kiểm thử, góp phần đưa Đà Nẵng tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu. Để đạt mục tiêu đề ra, Đà Nẵng đang xây dựng các nhóm chính sách, giải pháp, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.
“Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp ICT triển khai dự án tại thành phố. Về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực ICT, vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút trong lĩnh vực ICT, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, thành phố đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó có các chính sách ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch, trí tuệ nhân tạo”, ông Thanh thông tin.
Chuẩn bị nhân lực, tận dụng ưu đãi
Nói về việc cung ứng nguồn nhân lực, TS. Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (VKU) cho hay hiện nay Đà Nẵng đang có 38 cơ sở đào tạo ICT gồm 20 trường Đại học/Cao đẳng và 18 trường trung cấp. Thông tin từ vị này, công tác đào tạo Đại học về ICT như các ngành Vi mạch bán dẫn, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Trí tuệ nhân tạo,... đang được nhiều đơn vị quan tâm và Đà Nẵng tuyển sinh đào tạo hơn 5000 sinh viên/năm trong lĩnh vực ICT.
“Riêng VKU tuyển 1500-2000 chỉ tiêu/năm, chiếm gần 30%-40% chỉ tiêu CNTT toàn thành phố Đà Nẵng. Về đề xuất, các doanh nghiệp cần hợp tác tổ chức ngày hội việc làm, đầu mối tuyển chọn nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và hợp tác nghiên cứu về ICT. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có dự án nghiên cứu, chương trình nghiên cứu chung, hỗ trợ triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ học bổng cho sinh viên, tài trợ cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và chủ động đề xuất các định hướng hợp tác, đặc biệt trong đào tạo trình độ cao và nghiên cứu khoa học,...”, TS.Thọ đề xuất.
Tại diễn dàn “Mở rộng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc – Việt Nam khu vực Miền Trung” tổ chức tại Đà Nẵng, ông Lê Minh Dương - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) các doanh nghiệp ICT khi đến đầu tư tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hình thức ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, khấu hao nhanh, tăng chi phí được trừ,... Trong đó, về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng mức thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước và sản xuất sản phẩm phần mềm; các sản phẩm hỗ trợ lĩnh vực công nghệ cao,...
Về chính sách miễn, giảm thuế suất, có chính sách miễn 4 năm, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Miễn 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
“Các địa phương cần tăng cường quảng bá hình ảnh, môi trường, cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công, phối hợp với Đại diện xúc tiến đầu tư Miền Trung – Tây Nguyên cập nhật cơ sở dữ liệu số về đầu tư trên bản đồ số đầu tư”, ông Dương đề xuất.
Có thể bạn quan tâm