ĐBQH đề nghị cân nhắc mức thuế suất 5% đối với phân bón
Việc chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế suất 5% sẽ tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp luôn phải chịu nhiều tổn thương nhất.
>>Để doanh nghiệp không giảm động lực vì thuế GTGT
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ngày 24/6.
Góp ý vào khoản 2 Điều 9 quy định mức thuế suất 5% áp dụng đối với 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ, trong đó có phân bón, đại biểu Tô Ái Vang cho biết qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, các ĐBQH trong Đoàn đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phi đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần.
“Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam”, đại biểu Tô Ái Vang nói.
Do đó, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. Vì, nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng.
Còn dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu NSNN thì sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân.
“Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân để thể hiện rõ các chính sách sẽ được luật hóa”, đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ sự đồng ý với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội về những băn khoăn trong việc đề xuất của Chính phủ chuyển các mặt hàng, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế suất sang đối tượng chịu thuế suất 5%.
>>Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”
>>Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, hiện nay các mặt hàng nói trên không phải đối tượng chịu thuế giá trị tăng nên các doanh nghiệp sản xuất không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của các loại sản phẩm trên.
“Nếu tăng thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm trên là tăng chi phí đầu vào cho nông nghiệp, nếu áp dụng mức thuế 5% người chịu thuế này sẽ là người nông dân”, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Còn về phía doanh nghiệp, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp và sản phẩm cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với các nhà sản xuất và hàng ngoại nhập.
“Không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng, tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế giá trị tăng, nếu chuyển nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%”, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc mặt hàng phân bón thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất GTGT 0%. Đại biểu Hoàng Thanh Thúy đề nghị quy định mặt hàng phân bón là đối tượng áp dụng thuế suất 0%, nhằm giảm giá thành sản phẩm cũng như khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
“Quy định như vậy sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp sản xuất phân bón”, đại biểu Hoàng Thanh Thúy khẳng định.
Tham gia góp ý kiến vào nội dung nêu tại điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định mặt hàng “Phân bón” là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% thay vì “mặt hàng phân bón không phải chịu thuế” như quy định hiện hành, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ 3 nội dung.
Thứ nhất, cần có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả 2 góc độ.
Một là, nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hai là, tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.
Thứ hai, không tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, nhưng bổ sung doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước vào khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật là đối tượng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Thứ ba, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành 2 nhóm hàng hoá. Đó là, phân bón hoá học và phân bón hữu cơ, trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm.
“Để từ đó định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hoá học sang sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước”, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất.
Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) cho biết, qua nghiên cứu dự thảo Luật Thuế giá trị (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón tại điểm b, khoản 2 Điều 9 với mục tiêu thúc đẩy sản xuất phân bón trong nước cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng đề xuất trên.
Thứ nhất, bản chất thuế giá trị là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở 2 khía cạnh thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, do vậy thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ; thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, theo quy định của Luật, giá của phân bón thuộc danh mục bình ổn giá , do đó cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hài hào lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng.
Theo đại biểu Khang Thị Mào, qua việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. "Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, chúng ta cần hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón", đại biểu Khang Thị Mào đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Để doanh nghiệp không giảm động lực vì thuế GTGT
03:30, 22/06/2024
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”
03:00, 27/03/2024
Doanh nghiệp chế xuất gặp “gánh nặng” thuế GTGT
03:00, 26/03/2024
Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất thuế GTGT: Nỗi lo của doanh nghiệp
01:03, 25/03/2024
Bộ Tài chính nói gì về kiến nghị hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp thuỷ sản?
02:00, 27/02/2024