WEF Đại Liên: Cơ hội nào cho Việt Nam?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 25/06/2024 04:00

WEF Đại Liên 2024 sẽ là nơi Việt Nam ghi đậm dấu ấn, mở ra cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều nhà đầu tư lớn hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường dự WEF Đại Liên 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường dự WEF Đại Liên 2024

>> WEF Davos 2023 trước thách thức mới

Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF 2024) sẽ diễn ra tại thành phố cảng Đại Liên, Trung Quốc từ ngày 24-27/6/2024. WEF Đại Liên là nơi hội tụ 1.600 đại biểu, bao gồm nhiều chính trị gia, nhà kinh tế, CEO, học giả, nhà quản lý dự án hàng đầu.

Diễn đàn sẽ thảo luận 6 nội dung nghị sự trọng tâm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới, tinh thần kinh doanh trong thời đại AI, các lĩnh vực công nghiệp tiên phong, đầu tư vào con người, kết nối giữa khí hậu thiên nhiên và năng lượng, Trung Quốc và thế giới.

WEF Đại Liên 2024 được tổ chức với tinh thần tạo ra không gian hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, các mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.

GS Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF cho biết: “Trước những thách thức toàn cầu chưa từng có, sức mạnh của sự hợp tác và đổi mới là không thể phủ nhận. Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF sẽ cung cấp một nền tảng độc đáo để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và thúc đẩy các giải pháp mang tính tiên tiến để định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu”.

WEF Đại Liên 2024 sẽ là nơi mà Việt Nam ghi đậm dấu ấn với bài phát biểu tại phiên khai mạc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng như đồng chủ trì với Chủ tịch Klaus Schwab tại nhiều phiên thảo luận quan trọng, và các cuộc gặp song phương, đa phương với nhiều nhà đầu tư tầm cỡ.

Qua đây, Việt Nam có cơ hội trực tiếp giới thiệu tiềm năng, chiến lược, sự ưu đãi phát triển các ngành kinh tế tương lai - điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh rất nhiều đại tập đoàn kinh tế đang gấp rút tìm bến đỗ mới, xác lập cứ điểm sản xuất kinh doanh trong tương lai gần.

Thứ nhất, với xu hướng kết nối giữa khí hậu thiên nhiên và năng lượng, lĩnh vực hẹp hiện nay là phát triển năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời,… Việt Nam đang cần rất nhiều vốn, phát triển các dự án lớn để thay đổi cơ cấu nguồn điện, bắt kịp mục tiêu giảm phát thải.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, nguồn vốn để đầu tư, xây dựng dự án điện dự kiến khoảng 135 tỷ USD. Vì vậy, không thể thiếu nhà đầu tư lớn.

>>WEF DAVOS 2022: Nhiều vấn đề hóc búa cần có lời giải

Thành phố cảng Đại Liên

Thành phố cảng Đại Liên

Thứ hai, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới, Việt Nam đã có kế hoạch tạo đà cho nền công nghiệp bán dẫn. Nhưng doanh nghiệp trong nước chưa đủ tiềm lực, trong khi tài nguyên thiên nhiên, con người, cơ sở vật chất, năng lượng cần được khai thác, đào tạo càng sớm càng tốt.

Việt Nam cần đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia thống trị lĩnh vực chip. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Jose Fernandez, nói với Nikkei Asia rằng: “Việt Nam đã thu hút hàng chục công ty trong lĩnh vực bán dẫn và nhiều công ty Mỹ khác sẽ nhảy vào nếu Việt Nam có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu xanh của những công ty này”.

Thứ ba, xuyên suốt vẫn là nền tảng con người, trực diện ở đây là đội ngũ lao động chất lượng - đầu tư vào con người luôn luôn đi trước. Tuy nhiên, tại các kỳ WEF không thiếu các nhà đào tạo, giáo dục uy tín toàn cầu tham dự để tìm kiếm thị trường đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên 2024

    Trung Quốc kỳ vọng tăng đầu tư nước ngoài tại WEF Đại Liên 2024

    16:45, 24/06/2024

  • WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới

    WEF Davos 2024: Thế giới cần bộ chỉ số tăng trưởng mới

    04:00, 25/01/2024

  • WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    WEF Davos 2024: Thúc đẩy hợp tác quản lý AI

    03:00, 22/01/2024

  • Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024

    Tái thiết niềm tin nhìn từ WEF Davos 2024

    13:30, 16/01/2024

TRƯƠNG KHẮC TRÀ