Thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù cũng như xem xét bài học kinh nghiệm để giảm tránh các rủi ro khi thí điểm Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng.
Mô hình Khu thương mại tự do (KTMTD) đã áp dụng phổ biến tại hơn 150 quốc gia và mang lại lợi ích gồm tạo cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và tạo cơ hội việc làm lớn cho người dân tại địa phương và khu vực lân cận,...
Cần làm rõ cơ chế, chính sách
Theo các chuyên gia, lý do Đà Nẵng được lựa chọn là nơi đầu tiên thí điểm thành lập KTMTD tại Việt Nam xuất phát việc địa phương này sở hữu những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng lẫn yếu tố con người. Cụ thể, Đà Nẵng có cảng Liên Chiểu – một trong những Cảng biển lớn nhất cả nước, Ga Kim Liên – thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng – nằm ngay trung tâm thành phố, con người Đà Nẵng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám vươn lên và nhiều thuận lợi khác,…
Các ý kiến đều cho rằng Đà Nẵng đã cho thấy sự sẵn sàng trong việc thí điểm triển khai KTMTD, là bước đà để hướng tới trở thành một trong những địa phương đầu tiên triển khai xây dựng KTMTD trên cả nước. Từ đây, tạo ra động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về KTMTD của cả nước.
Một số khuyến nghị cho Đà Nẵng, TS. Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng trước mắt Đà Nẵng cần hoàn thiện một số vấn đề trình Chính phủ đã được Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị làm rõ trong Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, cần rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan đến việc hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển KTMTD, trong đó giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính đối với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giảm bớt gánh nặng về thuế, phí đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại KTMTD.
Giảm tránh các rủi ro
Theo đánh giá, trong quá trình triển khai thực hiện KTMTD tại Đà Nẵng cần lưu ý đến một số nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn như nguy cơ trở thành kho lưu trữ, phân phối hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc thiết lập kiểm tra hải quan ở mức tối thiểu đối với hàng hóa dịch vụ lưu thông trong Khu TMTD có thể tạo ra cơ hội để những doanh nghiệp kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lợi dụng.
Ngoài ra, còn có nguy cơ trở thành điểm trung gian cho các doanh nghiệp lẩn tránh chính sách, pháp luật về thuế. Các doanh nghiệp buôn lậu có thể thao túng giá trị hàng hóa và tỷ lệ chuyển đổi trong quá trình gia công để được hưởng những ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan.
Do vậy các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đưa ra các quy định, tiêu chuẩn liên quan đến việc xử lý tem mác, nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo quy cách hàng hóa dịch vụ khi hàng hóa, dịch vụ từ Khu TMTD được đưa vào thị trường nội địa, cũng như cách can thiệp phù hợp đối với việc kiểm soát hàng hóa dịch vụ nhập khẩu vào Khu TMTD.
Tại Hội thảo của VCCI miền Trung – Tây Nguyên về KTMTD mới đây, ông Trần Thoang – Giám đốc Công ty CTS Việt Nam nhận định địa phương sẽ có được nhiều lợi ích để gia tăng thương mại, đầu tư và tạo việc làm chất lượng cao. Tại Đà Nẵng, ông Thoang cho rằng thành phố cần xác định đến việc phát triển KTMTD hội tụ đủ các yếu tố xanh (green FTZ) – điện tử (eFTZ) - số (digital FTZ), cùng đó là xác định doanh nghiệp ưu tiên (AEO), hướng tới đạt chuẩn tuân thủ chương trình CTPAT Hoa Kỳ, là thành viên của tổ chức KTMTD thế giới.
Vị này đề xuất Đà Nẵng cần vận dụng tốt mô hình ABC. Cụ thể là Attract business (thu hút các doanh nghiệp đến chế biến, sản xuất,...), Bring in capital (tiếp cận vốn đầu tư) và Create employment (tạo việc làm).
Giám đốc VCCI miền Trung – Tây Nguyên Nguyễn Tiến Quang kỳ vọng với “lợi thế của người đi sau”, KTMTD Đà Nẵng khi được hình thành sẽ là tích hợp của những kinh nghiệm, mô hình thành công của thế giới, có cơ chế và tiện ích vượt trội,... góp phần vừa khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng nói riêng, khu vực Miền Trung nói chung.
Đồng thời, KTMTD vừa giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng, vừa là “cầu nối” cho liên kết vùng tại khu vực Miền Trung vốn còn nhiều hạn chế trong thời gian đến.
Có thể bạn quan tâm