Hải Phòng: Chợ “cũ” vật lộn trong thời đại số

BÙI HIỀN 26/06/2024 00:20

Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử đang dần chiếm thị phần của các chợ truyền thống. Các tiểu thương đang ngày đêm chật vật tìm hướng kinh doanh mới.

>>>Chợ truyền thống phải thay đổi để tiếp cận khách hàng online

>>>Thương mại điện tử sẽ thay thế dần chợ truyền thống

Trước sự phát triển vượt bậc ngày một nhanh chóng và sự tiện ích của hệ thống siêu thị, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử… làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Việc này đã gây sức ép không nhỏ lên sức tiêu thụ của các chợ truyền thống trong thời đại hiện nay.

Chật vật vì ế ẩm

Hiện, nhiều chợ truyền thống nổi tiếng tại Hải Phòng như chợ Ga (quận Ngô Quyền), chợ Cát Bi (quận Ngô Quyền), chợ Sắt tạm (quận Kiến An)… đều chung một bầu không khí vắng vẻ, ảm đạm. Số lượng khách ra vào chợ dù vào các khung giờ cao điểm nhưng lại khá ít. Nhiều chủ quầy ngồi giữa đống hàng hóa chất cao, rảnh tay lướt điện thoại hoặc túm lại tán gẫu đợi giờ dọn hàng. Không những vậy, nhiều kiot, sạp hàng đóng kín, treo biển “cho thuê” hoặc bỏ trống suốt thời gian dài vì vắng bóng khách hàng.

Chị Lê Nhi – Chủ quầy hàng quần áo bán trong chợ Ga chia sẻ rằng chưa bao giờ nghĩ cảnh một chợ sầm uất nhất nhì thành phố nay lại đìu hiu đến như vậy. Doanh thu bán hàng trực tiếp tại kiot của tôi giảm khoảng 70 – 80% so với những năm trước. Số tiền bỏ ra thuê gian hàng bán tại chợ, dù với niên hạng 15 năm, tôi vẫn phải chi khoảng 50 triệu đồng/kiot mỗi năm. Bây giờ dù chuyển nhượng với giá rất rẻ nhưng cũng không ai hỏi thuê. Thế nên, tôi vẫn phải tiếp tục bám trụ kinh doanh tại đây.

1.Các chợ truyền thống tại Hải Phòng đang dần vắng bóng khách hàng

Các chợ truyền thống đang dần vắng bóng khách hàng

Cùng cảnh ngộ với chị Nhi, gian hàng của ông Trần Quốc Tuấn – Chủ kiot chuyên bán đồ khô, gia vị cũng ảm đạm không kém: Mấy năm gần đây, việc buôn bán trở nên ế ẩm hơn hẳn. Người dân ít ghé chợ mua hàng mà tiện vào trong các khu cửa hàng tiện lợi hơn.

Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và sự tiện lợi của các trung tâm thương mại, nhiều người tiêu dùng đang chuyển dần thói quen mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, từ chợ truyền thống sang chợ online.

Chị Nguyễn Lan Chi (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) cho biết: Vài năm gần đây, tôi chủ yếu mua sắm tại các siêu thị hoặc đặt mua hàng qua các trang thương mại điện tử. Tôi cảm thấy yên tâm vì nguồn gốc rõ ràng, giá cả được niêm yết công khai, hàng hóa cũng sạch sẽ, bảo đảm. Nhiều mặt hàng như quần áo, thiết bị, đồ gia dụng tại các sàn thương mại điện tử cũng có giá rẻ hơn so với mua tại chợ truyền thống. Điều tiện lợi nữa là hàng hóa cũng được giao tận nhà.

Ông Trịnh Quốc Khánh – Trưởng Ban quản lý chợ Ga cho biết: Tại chợ Ga có hơn 1.200 kiot, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 600 kiot đang hoạt động cầm chừng. Nhiều tiểu thương bỏ sạp vì tình trạng kinh doanh không có lãi. Ban quản lý chợ cũng khuyến khích, tạo điều kiện thu hút tiểu thương vào buôn bán tại chợ, nhưng tình trạng bỏ chợ vẫn diễn ra do thương mại điện tử phát triển nhanh, lấn át ngày càng nhiều các chợ truyền thống.

“Các chủ cửa hàng khác đang dần chuyển sang livestream bán hàng. Nhiều lúc tôi cũng mày mò tìm hiểu thử, nhưng một phần do già rồi, chậm hơn đội trẻ, với chắc không có duyên nên tôi lại quay trở lại bán hàng theo cách truyền thống”, ông Tuấn cho biết thêm.

Bắt nhịp kinh doanh trực tuyến

Với sự thay đổi không ngừng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và các loại hình thương mại điện tử, các tiểu thương tại các chợ truyền thống cần nhanh chóng theo kịp bước tiến mới. Sự chuyển dịch từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng trên các trang thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến là đòi hỏi cần thiết, mang lại hiệu quả kinh doanh cho các chủ hộ kinh doanh.

Chị Nhi cũng cho biết thêm: Nắm bắt được khách hàng đang chuyển dần thói quen mua sắm trên các trang thương mại điện tử, nên tôi cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa hàng ngày livestream bán hàng hoặc đăng ảnh lên Facebook, Zalo để giới thiệu hàng mới, chốt đơn. Mặc dù ban đầu chỉ có 3 – 5 người xem, tôi rất nản lòng, nhưng cũng tự động viên bản thân phải cố gắng. Lâu dần, người xem cũng ổn định hơn, duy trì khoảng 700 – 800 người xem trong một phiên livestream. Nhiều khách sau khi xem xong cũng đến tận sạp hàng để mua. Hơn 2 năm nay, doanh thu từ việc bán hàng online trở thành nguồn thu chủ lực (chiếm 80% doanh thu) tại quầy của tôi.

Đến nay, nhiều hộ kinh doanh tại chợ Ga nói riêng và nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Hải Phòng cũng đang dần thích ứng, chuyển dịch sang xu thế bán hàng mới. Nhiều chủ sạp lớn tuổi như ông Tuấn dù không nhanh nhạy trong việc livestream cũng tìm cách kết bạn với các khách hàng qua Zalo để giới thiệu hàng hóa. Việc chốt đơn, vận đơn đều thông qua chiếc điện thoại thông minh. Nhiều chủ cửa hàng hào hứng thừa nhận việc bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử đem lại rất nhiều thuận tiện cho cả người mua và người bán, nhất là trước tình hình thị phần của các chợ truyền thống đang dần thu hẹp.

2.Các chủ kinh doanh tại các chợ truyền thống đang chuyển dần sang việc bán hàng trực tuyến, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế số

Các chủ kinh doanh tại các chợ truyền thống đang chuyển dần sang việc bán hàng trực tuyến, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế số (Ảnh minh họa)

Ông Khánh chia sẻ Ban quản lý chợ khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ kiot trong chợ chuyển dần việc buôn bán trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến ngay tại chợ để góp phần tăng thêm nguồn thu, đem lại hiệu quả kinh doanh, giới thiệu được thêm nhiều mặt hàng đến khách hàng ở cả Hải Phòng và các tỉnh khác trên cả nước. 

Ông Chu Minh Cương – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng chỉ rõ: chợ truyền thống có tầm quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố. Đây là nơi có thế mạnh về những nông sản tươi sống, linh hoạt trong hoạt động, thể hiện được những nét đẹp đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Mặt khác, các chủ kinh doanh tại chợ truyền thống có khả năng giao tiếp tốt, am hiểu sâu về sản phẩm. Nếu chuyển qua việc bán hàng online chỉ cần bổ sung thêm kỹ năng về kỹ thuật. Đối với những người kinh doanh tại chợ, việc thích ứng nhanh với công nghệ, chuyển đổi số chính là sự bứt phá trong bối cảnh sức mua trực tiếp đang ngày một giảm.

Bên cạnh đó, ông Cương cũng nhấn mạnh, các mặt hàng tại chợ truyền thống phải bảo đảm về nguồn gốc hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết giá bán… để tồn tại phát triển. Không chỉ có vậy, Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng cũng đang triển khai tổ chức các chương trình đào tạo bài bản, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ cho ngành livestream bán hàng, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Để chợ truyền thống trở lại nhịp sôi động, ngoài việc đổi mới phương thức bán hàng, Ban quản lý các chợ, các cơ quan quản lý, các sở ban ngành cũng cần có những giải pháp hỗ trợ, nâng cấp khuôn viên chợ khang trang, trở thành điểm mua sắm lý tưởng của người dân. Các chợ truyền thống cần hướng đến mô hình chợ văn minh, hiện đại, uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Lối đi nào để chợ truyền thống phát triển?

    Lối đi nào để chợ truyền thống phát triển?

    20:53, 11/03/2024

  • Chợ truyền thống phải thay đổi để tiếp cận khách hàng online

    Chợ truyền thống phải thay đổi để tiếp cận khách hàng online

    04:39, 21/11/2023

  • Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng - Tương lai đi về đâu?

    Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng - Tương lai đi về đâu?

    04:00, 10/11/2023

BÙI HIỀN