Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng - Tương lai đi về đâu?

Bài và ảnh PHẠM TUẤN 10/11/2023 04:00

Chợ truyền thống tại Hải Phòng đang lay lắt tồn tại, không có cơ hội để phát triển trong tương lai.

>>Chợ truyền thống đang bị…bỏ quên?

Hải Phòng một thời nổi tiếng không chỉ về cảng biển có nhiều thuỷ thủ tàu viễn dương chuyên đánh hàng cáy tivi, đài cassette, xe mini Nhật cũ… tức nước ngoài về Việt Nam. Họ giàu có lắm, hút thuốc lá 555, đi xe cúp Honda kim vàng giọt lệ…, là niềm mơ ước của bao người. Mà Hải Phòng còn nổi tiếng về chợ: Chợ Sắt là chợ kim khí điện máy bán “thượng vàng hạ cám” cũ, mới, tây, ta đủ hết. Người ta còn đùa nhau đi một vòng chợ Sắt là mua đủ đồ lắp ráp bé thì xe máy, to thì ô tô, to nữa đến cả cái tàu, cái máy bay cũng có ở chợ Sắt. Chợ Tam Bạc (chợ Đổ) sầm uất tấp nập, trên bến dưới thuyền là chợ bán buôn, chợ Ga gần cổng ga tàu hoả là chợ bán lẻ nằm trong lòng thành phố với hàng bán được chọc lọc cẩn thận.

Người Hải Phòng tự hào về những cái chợ của thành phố, coi đó là biểu tượng của sự giàu có, thịnh vượng. Thập niên 80 tới 90, gia đình nào sở hữu cửa hàng hay sạp hàng trong các chợ trên mặc nhiên được coi là giàu có.

Kệ cho người khác ghen tị đem chế các tên địa danh Hải Phòng ghép vào làm thơ:

“Hải Phòng tuy thế mà tồ
Sông thì đem Lấp, Đồ thì đem Sơn
Cảng thì Cấm, chợ thì Con
Lại thêm chợ Đổ còn buôn bán gì?
Cầu thì Rào lại không đi
Lại đi cầu Đất còn gì lạ hơn”

Dân Hải Phòng vẫn “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” sống với niềm kiêu hãnh:

“Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô
Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ”.

ff

Một sạp hàng vắng khách tại chợ Ga (Hải Phòng)

Thời thế thay đổi. Việc mở cửa, đổi mới giúp hàng hoá phong phú tràn ngập khắp nơi. Chợ Sắt Hải Phòng không còn là địa chỉ duy nhất về vật tư kim khí. Chợ Đổ không còn “cửa” so với chợ Ninh Hiệp về vải vóc quần áo. Sau vụ cháy chợ năm ngoái thì chợ Đổ coi như mất tên trên bản đồ, khi nền chợ cũ dự tính sẽ làm công viên hoặc công trình khác. Chợ Sắt di dời sang khu vực Kiến An để xây dựng trung tâm thương mại mới cũng khá đìu hiu.

Những tưởng như vậy lượng khách sẽ dồn về chợ truyền thống tên tuổi cuối cùng của thành phố là chợ Ga, nhưng không phải vậy. Chợ truyền thống khác trước hoàn toàn khi người dân không còn thói quen đi xe đạp, xe máy vào chợ chọn mua đồ đông vui như trước.

Nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì vắng khách.

Nhiều sạp hàng phải đóng cửa vì vắng khách.

>>Bách Hóa Xanh và chiến lược lấy khách hàng từ chợ truyền thống

Còn nhớ mỗi khi trời chuyển mùa hoặc dịp gần Tết, khách đi chợ Đổ, chợ Ga mua sắm đông như trảy hội. Các tiểu thương phải thuê người, gọi thêm người nhà ra phụ giúp, ngày bán hàng, tối nhập hàng kiểm đếm, tất bật từ sáng sớm đến tối khuya. Thế mà bây giờ tình cảnh ế ẩm kéo dài cả vào thời điểm chuyển mùa.

Có rất nhiều nguyên nhân làm thay đổi thói quen mua sắm sinh hoạt của người dân khi hệ thống cửa hàng phủ khắp các con đường, chỉ mấy bước chân là tới cửa hiệu, không cần lên chợ gửi xe chen chúc đi bộ. Thêm nữa, giới trẻ thì quen thuộc với giao dịch thương mại điện tử mua sắm thanh toán hoàn toàn trực tuyến với Shoppee, Lazada, Amazon… Việc sở hữu gian hàng trên sàn giao dịch điện tử thuận lợi và rẻ hơn chi phí để đầu tư nhân lực, tiền vốn cho sạp hàng trong chợ truyền thống.

Tiểu thương sở hữu quầy, sạp trong chợ truyền thống đều khoảng trên bốn mươi tuổi, cách cả thế hệ và thói quen với giới trẻ dưới 30. Quen mua đồ trong siêu thị ăn cả tuần, mua mọi thứ trên chợ điện tử rồi nhờ shipper chuyển tới. Xu hướng đi ô tô cũng tăng cao, việc gửi xe ô tô để đi bộ vào chợ thành bài toán khó giải hơn việc gửi xe khi đi xe máy, xe đạp. Nên ưu thế được thử đồ trực tiếp, mặc cả, trả giá, cầm tận tay day tận mặt chất hàng trong chợ truyền thống cứ bị mất dần.

Trước đây chỉ sạp hàng nhỏ có mấy mét vuông trong chợ cũng có giá hàng chục đến vài chục cây vàng, quầy ngoài mặt đường thì giá đắt ngang cả ngôi nhà, mà chỉ có người tìm mua chứ không có người bàn. Nhưng gần đây nhiều quầy, sạp đóng cửa, rao bán, hoặc cho thuê mà vẫn không có giao dịch.

Có tiểu thương sáng dọn hàng ra, tối dọn hàng vào cả ngày chả mở được hàng. Việc kết hợp kinh doanh trực tuyến, phát trực tiếp không phát huy được khi ở trong chợ, không gian chật hẹp, nhiều tiếng ồn, ánh sáng không đủ. Dọn hàng ra lại tụ tập tán gẫu, hay đánh bài, ăn quà vặt cho hết ngày trong không khí chán nản.

Kinh tế suy thoái, thu nhập người dân sụt giảm dẫn đến việc thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng quần áo, vải vóc, du lịch, mà ưu tiên cho đồ ăn, thức uống càng làm giảm đi số lượng khách hàng đến chợ. Và cứ với đà này, chợ truyền thống sẽ lay lắt tồn tại mà không có cơ hội để phát triển trong tương lai.

Có lẽ đến lúc các tiểu thương của chợ truyền thống bắt buộc phải lựa chọn thay đổi ngành nghề, hình thức mình kinh doanh. Còn nhà nước chính quyền nên chăng có phương án hỗ trợ đền bù cho họ khi chuyển đổi chợ - nơi vốn dĩ luôn là vị trí đắc địa, mảnh đất vàng để cho tiểu thương bớt khó khăn và bớt cả thiệt thòi.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần phân luồng lại các chợ truyền thống

    20:36, 26/10/2022

  • Giãn cách xã hội: Có nên cho Chợ truyền thống hoạt động?

    15:16, 19/07/2021

  • TP.HCM xem xét mở lại chợ truyền thống

    15:52, 14/07/2021

  • Đầu tư theo mô hình BOO: Hướng đi mới cho mô hình chợ truyền thống tại Lào Cai

    21:39, 08/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiểu thương chợ truyền thống Hải Phòng - Tương lai đi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO