Ấn Độ sẽ là trung tâm sản xuất mới của các doanh nghiệp toàn cầu?
Khi các doanh nghiệp bán lẻ đa quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã và đang chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.
>> Ấn Độ sẽ "xích lại" gần hơn với ASEAN?
Theo NY Times, trong nhiều thập kỷ, thương hiệu đồ chơi của Mỹ Melissa & Doug đã phụ thuộc rất nhiều vào các nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm của mình, như đồ chơi xếp hình bằng gỗ, thú nhồi bông, thảm chơi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác.
Vào tháng 2 năm 2021, thế giới bị bao vây bởi đại dịch COVID-19. Các lệnh phong tỏa đã làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc. Điều đó cùng với những căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh làm suy yếu những lợi ích của việc phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc.
Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp như Melissa & Doug chuyển một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam... Theo NY Times, Giám đốc điều hành của Melissa & Doug đã rất ngạc nhiên khi thấy nhà máy tại Ấn Độ có thể sản xuất đồ chơi bằng gỗ chất lượng cao, với mức giá tương đương với giá ở Trung Quốc.
Vào cuối năm ngoái, doanh nghiệp nội địa Sunlord đã hoàn thành lô sản phẩm đầu tiên cho Melissa & Doug, một đơn hàng khiêm tốn với khoảng 10.000 sản phẩm và hiện đang sản xuất 25.000 sản phẩm mỗi tháng.
Năm ngoái, trong một cuộc khảo sát các công ty Mỹ có hoạt động tại Trung Quốc do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải thực hiện, 40% các chủ doanh nghiệp cho biết họ đang chuyển các khoản đầu tư đã lên kế hoạch sang các quốc gia khác hoặc có ý định làm như vậy vì căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hầu hết các công ty đều hướng đến Đông Nam Á. Mexico cũng có vị thế đặc biệt tốt để nắm bắt thêm các đơn đặt hàng, do gần và có hiệp định thương mại với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những quốc gia này quá nhỏ bé so với Trung Quốc, dẫn đến việc hạn chế số lượng doanh nghiệp mà họ có thể đón nhận. Đồng thời, cả ASEAN và Mexico vẫn phụ thuộc đáng kể vào ngành công nghiệp Trung Quốc về các thành phần chính và nguyên liệu thô.
Ấn Độ đã nổi lên là lựa chọn ưu việt. Là một quốc gia có 1,4 tỷ người, cùng nguồn nguyên liệu thô dồi dào từ bông đến quặng sắt đến hóa chất, Ấn Độ có tiềm năng phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình. Các thương hiệu đa quốc gia đã phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, đang mở rộng sang Ấn Độ khi họ tìm cách hạn chế việc tập trung sản xuất tại bất kỳ quốc gia nào.
>> Thách thức với Thủ tướng Ấn Độ trong nhiệm kỳ 3
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu một ngày nào đó, bất kỳ quốc gia nào có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, thì Ấn Độ có thể là quốc gia có cơ hội tốt nhất. Việc chuyển sang Ấn Độ có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên bền vững hơn, giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi các cú sốc.
Đồng thời, sự dịch chuyển này có thể thúc đẩy vận may ở Ấn Độ, nơi đã bỏ lỡ sự bùng nổ sản xuất giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Đông Á. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ, một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Mumbai, mặc dù có khoảng một tỷ người trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ, nhưng quốc gia này chỉ có 430 triệu việc làm. Do đó, việc xuất khẩu ngày càng tăng có thể mang đến việc làm mới, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, ngành sản xuất của Ấn Độ vẫn còn non trẻ và mong manh. Mặc dù Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực đơn giản hóa các quy định và ủng hộ ngành công nghiệp, nhưng sản xuất vẫn chỉ chiếm 13% nền kinh tế của Ấn Độ, thấp hơn so với một thập kỷ trước.
Bên cạnh đó, ngay cả khi Ấn Độ đã tích cực xây dựng cảng và đường cao tốc, cơ sở hạ tầng cơ bản của nước này vẫn còn chắp vá, gây khó khăn cho việc vận chuyển nguyên liệu thô và hàng hóa.
Ông Kailesh Shah, Giám đốc điều hành của All Time Plastics, công ty điều hành một nhà máy sản xuất đồ dùng nhà bếp ở phía Bắc Mumbai cho biết dù các doanh nghiệp toàn cầu đều nhìn thấy sức mạnh mà Ấn Độ mang lại, nhưng sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp Trung Quốc dẫn đến việc ngay cả một sự thay đổi nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.
"Trung Quốc vẫn là Trung Quốc, một quốc gia sở hữu rất nhiều yếu tố thuận lợi và cơ sở hạ tầng để sản xuất hầu như mọi thứ với số lượng lớn và giá thành rẻ. Rất khó để có một quốc gia khác thay thế cho Trung Quốc trong tương lai gần", ông Shah nói thêm.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến lạc quan về Ấn Độ. "Tôi không thấy các khoản đầu tư trong tương lai của các công ty Mỹ sẽ đổ vào Trung Quốc", Amitabh Kant, một quan chức chính phủ cấp cao trong chính quyền của ông Modi nhấn mạnh và cho biết nhiều doanh nghiệp đều đang chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ. Đây là một cơ hội lớn để tạo ra việc làm.
Các công ty châu Âu cũng có xu hướng tương tự. Uli Scherraus, Giám đốc điều hành của TecPoint, nhà bán lẻ dụng cụ nhà bếp của Đức nhận định: "Đã có quá nhiều sự phụ thuộc vào hàng tiêu dùng từ Trung Quốc. Điều mà mọi người đều học được là không nên phụ thuộc vào một nhà cung cấp về bất cứ điều gì”.
Có thể bạn quan tâm