Trong ngắn hạn, động lực điều hành mới tại Quốc hội Ấn Độ có thể đòi hỏi phải thiết lập lại những kỳ vọng của doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và châu Âu.
>>Vì sao nhiều doanh nghiệp chip "đổ xô" vào Ấn Độ?
Sau cuộc bầu cử, thị trường chứng khoán Ấn Độ bị bán tháo, lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2021. Có thời điểm thị trường mất tới 8%, khiến lượng tiền khổng lồ 386 tỷ USD bị rút ra.
Rahul Sharma, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi tại Shafer Cullen, một công ty đầu tư quản lý tài sản trị giá 6 tỷ USD, cho biết: “một sự tiêu cực rõ ràng có khả năng tạo ra áp lực lên thị trường trong thời gian tới”.
Ấn Độ đã trải qua cuộc bầu cử lớn nhất thế giới, với 970 triệu cử tri đi bầu 543 nghị sĩ Hạ viện cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Các nghị sĩ này sẽ quyết định ai là Thủ tướng của quốc gia đông dân nhất thê giới.
Cuộc bầu cử lần này khác với hai lần bầu cử trước, khi đảng BJP của đương kim Thủ tướng Narendra Modi giành được đa số áp đảo trong 543 ghế tại Hạ viện, qua đó nắm quyền quyết định đến việc lựa chọn nội các chính phủ, các chương trình nghị sự kinh tế, xã hội.
Trong cuộc bầu cử ngày 4/6, đảng BJP chỉ giành được 240 ghế và buộc phải dựa vào hai đảng còn lại trong liên minh để duy trì đa số. Đây là một cú sốc lớn với giới đầu tư và cũng là đòn giáng mạnh đối với hình ảnh của Thủ tướng Modi, người đã củng cố ảnh hưởng vững chắc trong nền chính trị Ấn Độ suốt một thập kỷ qua.
Giới truyền thông tại phố Wall cho đây là một thất bại chính trị đáng kinh ngạc đối với Thủ tướng Ấn Độ. Điều này đã khiến các giám đốc điều hành doanh nghiệp trong nước phải đưa ra những lời kêu gọi, cố gắng hiểu rõ hơn về tác động đối với nền kinh tế và bối cảnh đầu tư của Ấn Độ.
Dưới thời ông Modi, Ấn Độ xây dựng được môi trường chính trị ổn định, đây là yếu tố tiên quyết thu hút hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn rót tiền đầu tư vào quốc gia này. GE, Aerospace, Apple, Starbucks và Nvidia là một trong những công ty toàn cầu đã thực hiện các thỏa thuận cao cấp để mở rộng, sản xuất và bán sản phẩm của họ tại Ấn Độ.
Pramit Chaudhuri, người đứng đầu bộ phận Nam Á của Eurasia, nói rằng: “Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Ấn Độ đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các gã khổng lồ công nghệ Mỹ”.
Với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu, hàng loạt câu hỏi rất áp lực đặt ra với ông Modi: Những cải cách đã hứa có được thực hiện nhanh chóng như ông Modi đã cam kết khi vận động tranh cử hay không? Các chính phủ liên minh luôn gặp rắc rối, đặc biệt là khi đưa ra các kế hoạch kinh tế.
>>Ấn Độ sẽ trở thành “Trung Quốc thứ hai”?
Với việc phải liên minh với nhiều đảng chính trị, hầu hết các cải cách kinh tế sẽ yêu cầu nhà lãnh đạo Ấn Độ thuyết phục, đàm phán, làm việc với các đảng. Điều này có thể cản trở việc đưa ra quyết định có lợi về mặt chi phí cho nhà đầu tư.
Ví dụ, giờ đây, một trong những luật liên quan đến cải cách lao động, thu hồi đất mà chính phủ của Modi dự định thông qua có thể không được thực thi, bởi vì đảng của Modi, Đảng Bharatiya Janata, hay BJP, không còn chiếm đa số hoàn toàn trong Quốc hội.
Mục tiêu của ông Modi là đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027. Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và tăng trưởng 8,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024.
Tuy nhiên, GDP ấn tượng của Ấn Độ năm ngoái lại ẩn chứa tình trạng tỷ lệ thất nghiệp cao đang làm giảm triển vọng nghề nghiệp của những người lao động trẻ tuổi và đẩy hàng triệu người rời khỏi thành phố để quay về nông thôn.
Các nhà phân tích tại Ấn Độ chỉ ra rằng, tình trạng thất nghiệp chắn đã góp phần khiến cuộc bầu cử trở nên khó lường. Thiếu việc làm là nỗi lo lắng lớn nhất của cử tri vì sự phục hồi của thị trường lao động vẫn chưa diễn ra trên diện rộng.
Trong ngắn hạn, động lực điều hành mới tại Quốc hội Ấn Độ có thể đòi hỏi phải thiết lập lại những kỳ vọng của doanh nghiệp ở Hoa Kỳ và châu Âu. Một số cải cách có thể mất nhiều thời gian hơn dưới một chính phủ liên minh.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì khiến Ấn Độ chưa thể thay thế Trung Quốc?
03:30, 05/06/2024
Trung tâm dữ liệu bùng nổ ở Ấn Độ
03:30, 04/06/2024
Ấn Độ đặt mục tiêu tăng 5 tỷ USD giao thương với Việt Nam
20:03, 16/05/2024
Giải mã "phép màu" tăng trưởng kinh tế Ấn Độ
04:00, 19/02/2024
Nhờ đâu kinh tế Ấn Độ bùng nổ?
04:30, 08/01/2024