Ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp
Giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang tiếp tục là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
>> Trọng tài thương mại - Phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp quốc tế
Đây là chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Phiên A, sự kiện VIAC Symposium 2024 được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sáng ngày 26/6/2024 tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ.
Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, Kinh tế số hiện là một trong 03 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử). Các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử có thể kể đến như Luật Giao dịch điện tử, Định danh điện tử (xác minh nhân thân các bên trên môi trường số), Chữ ký điện tử (là công cụ chính thể hiện ý chí của các bên trên môi trường số), chứng thực giao dịch điện tử, đang được các Bộ, Ngành cho triển khai mạnh mẽ.
Đáng nói, các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam: Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông.
Nhìn sâu hơn ở góc nhìn vi mô, hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả.
“Hiện nay, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy việc sử dụng hợp đồng điện tử và tôi tin tưởng rằng nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến mới mà VIAC ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới Kinh tế số của đất nước”, ông Lộc chia sẻ.
>> Hoàn thiện pháp luật về Trọng tài thương mại
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Luật sư thành viên cao cấp Dentons Luật Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo giải quyết tranh chấp an toàn, công bằng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong quản trị vụ kiện còn tương đối mới và vẫn chưa được áp dụng nhiều.
“Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào xét xử, quản trị vụ kiện và nộp đơn trực tuyến để hoàn thiện hóa toàn bộ quy trình mà không cần văn bản giấy, tăng tính hiệu quả trong hoạt động trọng tài”, Luật sư Nguyễn Trung Nam nhận định.
Liên quan đến nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến, ông Vũ Anh Dương, Tổng Thư ký VIAC cho biết, từ năm 2020-2023, đại dịch COVID-19 đã khiến cho cách thức vận hành đời sống kinh tế, xã hội phải chuyển dịch theo hướng số hóa, điện tử hóa một cách triệt để hơn, bao gồm cách các chủ thể giao kết các giao dịch, thực hiện các giao dịch và cả trong giai đoạn giải quyết các tranh chấp.
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài – với lợi thế từ bản chất tài phán tư linh hoạt, đã nhanh chóng thích nghi với thực tế mới này, và việc đưa các bước thủ tục tố tụng trọng tài lên thực hiện trực tuyến, trên không gian của mạng Internet đã được triển khai ở nhiều nền tài phán trên thế giới.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả về thời gian và chi phí cũng như tính minh bạch và thân thiện của thủ tục trọng tài, đồng thời mang lại cho các bên sử dụng những trải nghiệm tốt với thủ tục trọng tài, VIAC đã phát triển Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến - VIAC eCase.
“Trong suốt quá trình diễn ra các bước của thủ tục giải quyết tranh chấp tại VIAC, VIAC eCase giúp các bên, các luật sư và các trọng tài viên quản lý cùng lúc các vụ tranh chấp mà họ đang tham gia tại VIAC, bao gồm việc tra cứu tài liệu, quản lý lịch biểu tố tụng, trong suốt quá trình tố tụng trọng tài”, Tổng Thư ký VIAC nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Trọng tài thương mại - Phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp quốc tế
03:00, 09/05/2024
Để Trọng tài thương mại chia sẻ gánh nặng với hệ thống Tòa án
14:57, 12/05/2023
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại: Nhiều vấn đề cần mổ xẻ!
12:28, 18/04/2023
Luật Trọng tài Thương mại: “Cần hoàn thiện thể chế để phù hợp nhu cầu thực tiễn”
12:22, 29/11/2022
Luật Trọng tài thương mại và đặc trưng trong giải quyết tranh chấp thương mại
04:10, 23/01/2021