Đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại, tiến tới hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
>>Đã đến lúc phải sửa Luật Trọng tài thương mại
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành luật và các cơ quan quản lý nhà nước tại Hội thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (TTTM), sáng 29/11/2022 tại TP.HCM.
Cần phải sửa đổi Luật TTTM…
Phát biểu những vấn đề liên quan tới sửa đổi Luật TTTM, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho biết, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.
"Thực hiện nhiệm vụ trên, Hội Luật gia Việt Nam đã thành lập Ban Biên tập, ban hành Kế hoạch xây dựng báo cáo; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, thu thập tài liệu; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm. Báo cáo đã được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, các Trung tâm Trọng tài thương mại, trọng tài viên và các cơ quan, tổ chức hữu quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam). Do đó, tại hội thảo này, việc lấy ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan ban ngành là hết sức cần thiết để sửa đổi Luật Trọng tài thương mại, tiến tới hoàn thiện thể chế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn" – ông Quyền thông tin.
Phát biểu góp ý tại hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh – Phó trưởng phòng hỗ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP.HCM), cho rằng: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xảy ra các tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay có nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại nhưng phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại đang được quan tâm và lựa chọn trên trường quốc tế, vì việc giải quyết tranh chấp có trình tự thủ tục nhanh gọn, không làm tiết lộ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên và đảm bảo quy định pháp luật.
Luật TTTM năm 2010 ra đời đã tạo cơ chế pháp lý tốt hơn cho hoạt động trọng tài thương mại, giúp cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố được thống nhất, đúng quy định; giúp cho các tổ chức trọng tài thương mại và trọng tài viên có cơ sở thuận lợi để triển khai thực hiện công việc của mình; góp phần đưa hoạt động trọng tài trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng có nhiều bước phát triển mới.
>>Nhiều bất cập trong Luật Trọng tài Thương mại
… để phù hợp thực tiễn…
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hiệu quả hoạt động của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay. Từ đó, TTTM chưa trở thành một hình thức giải quyết tranh chấp được cá nhân, tổ chức kinh doanh lựa chọn.
Số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài còn thấp (chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại được giải quyết tại tòa án). Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án luôn ở tình trạng quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ án tồn đọng. Nguyên nhân, một phần xuất phát từ việc thực tế có nhiều hoạt động phát sinh cần phải điều chỉnh cho phù hợp trong khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa được điều chỉnh kịp thời, phát sinh mâu thuẫn với quy định pháp luật khác và tình hình thực tiễn.
Do đó, Sở Tư pháp cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo, ngoài ra Sở Tư pháp có một số ý kiến góp ý khác như sau:
Một là, Tại mục 1, phần I của dự thảo báo cáo, đề nghị bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hai là, Tại mục 1, phần II của dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến khái niệm hoạt động thương mại, vì hiện nay pháp luật về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại chưa định nghĩa hoạt động này, khái niệm này chỉ được định nghĩa trong Luật Thương mại năm 2005; đồng thời việc hiểu và định nghĩa về tranh chấp kinh doanh thương mại chưa đồng nhất giữa Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005,….do đó việc xác định thẩm quyền của trọng tài thương mại hiện nay còn mang tính chủ quan so với các nội dung được quy định tại Luật mẫu về trọng tài của UNCITRAL.
Ba là, Tại điểm a mục 1.2, phần III của dự thảo, đề nghị bổ sung nội dung: Hoàn thiện và bổ sung một số khái niệm liên quan đến hoạt động trọng tài theo hướng thống nhất giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế để mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp có liên quan.
Bốn là, Tại mục 3, phần III đề nghị điều chỉnh cụm từ “bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài” thành “phán quyết của Trọng tài nước ngoài”.
Liên quan đến những bất cập trong Luật TTTM, bà Nguyễn Thị Thùy Dung- Phó Chánh án TAND TP.HCM nhận định: Trong quá trình triển khai và thực hiện Luật Trọng tài Thương mại, TAND TP.HCM nhận thấy Luật TTTM còn một số bất cập. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh của Luật TTTM chưa được quy định một cách rõ ràng. Đơn cử, Điều 1 Luật TTTM quy định: “Luật này quy định về thẩm quyền của TTTM, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài”.
Từ nội dung quy định này, theo bà Dung, thực tế dẫn tới có hai quan điểm nhận thức khác nhau về phạm vi điều chỉnh của Luật gây khó khăn cho việc xác định thẩm quyền của Trọng tài, cụ thể:
Thứ nhất, Luật TTTM chỉ áp dụng đối với các quyết định của Trọng tài trong nước.
Thứ hai, Luật này cũng có thể được áp dụng cả đối với các quyết định của Trọng tài nước ngoài trong quá trình giải quyết tranh chấp nếu quyết định được tuyên tại Việt Nam hoặc địa điểm giải quyết vụ tranh chấp tại Việt Nam, ngoại trừ việc công nhận, cho thi hành phán quyết cuối cùng của Trọng tài giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, Tòa án nhân dân TP.HCM, đã nhận được nhiều đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của các đương sự khi đang nộp đơn khởi kiện tại Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore. Tòa án đã từ chối áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lý do Luật Trọng tài thương mại 2010 chỉ điều chỉnh phạm vi trong nước. Nếu theo Luật mẫu và Công ước New York 1958 thì theo quan điểm tôi, phạm vi điều chỉnh nên thiết kế theo hướng mở rộng phạm vi về thẩm quyền.
… và hiệu quả công tác quản lý nhà nước
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp về Luật TTTM, của các cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, cho biết: Trên cơ sở đánh giá hơn 12 năm thực thi Luật Trọng tài thương mại, Báo cáo một lần nữa nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại và pháp luật liên quan đảm bảo trọng tài thực sự là thiết chế hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại.
Bên cạnh đó, cần hướng đến xây dựng, ban hành cơ chế tăng cường sự kiểm tra, giám sát việc triển khai thi hành quy định của Luật trọng tài thương mại, đặc biệt là việc hủy phán quyết trọng tài; Xây dựng cơ chế phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành phán quyết trọng tài; Nâng cao năng lực của các Trung tâm trọng tài, đội ngũ trọng tài viên đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của trọng tài thương mại. Về lộ trình thực hiện, Hội Luật gia Việt Nam sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật TTTM trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31/12/2022. Xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2023. Việc xây dựng hồ sơ dự án án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 khóa XV (tháng 5/2024). Trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại vào kỳ họp thứ 8 khóa XV (tháng 10/2024) – ông Huệ thông tin.
Kết luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nhấn mạnh, sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, sôi nổi, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tích cực, đa chiều, liên quan đến nhiều vấn đề trong việc thực thi Luật TTTM trong hơn 10 năm qua. Trong đó, tiêu điểm các ý kiến đều nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài Thương mại đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Và đây đều là những đóng góp hết sức giá trị bởi xuất phát từ hoạt động thực tiễn về mặt pháp lý, giải quyết bằng trọng tài, tổ chức thi hành án, công nhận kết quả thi hành án của các cơ quan hữu quan, trung tâm trọng tài và trọng tài viên.
"Nhìn chung, tất cả các ý kiến đều đồng thuận cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Trọng tài thương mại, tiến tới hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại và pháp luật liên quan đảm bảo trọng tài, đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ban Biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/12/2022 theo kế hoạch đề ra" - ông Quyền nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 23/01/2021
23:24, 27/06/2020
04:50, 27/06/2020
11:00, 18/06/2020
12:05, 17/06/2020