Định danh cho các đối tượng khởi nghiệp
Thiếu quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… đang là những hạn chế trong việc thực thi chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả.
Qua thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã nảy sinh một số vướng mắc cơ bản cần tập trung giải quyết nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong huy động các nguồn lực cho phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Một số vướng mắc
Đó là, sự chưa thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (KNST) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Hiện đang có trên 30 tên gọi khác nhau và được sử dụng không thống nhất trong các VBQPPL và các văn bản hành chính dẫn tới gây nhầm lẫn, khó khăn trong quản lý và thực thi các cơ chế, chính sách.
Một số đối tượng liên quan đến ĐMST và KNST chưa được quy định rõ ràng. Cụ thể, những định danh về cố vấn, huấn luyện viên KNST, cá nhân ĐMST, máy móc, thiết bị phục vụ ĐMST,...chưa có; những hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế cho nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp KNST,.. cũng như vậy.
Cụm từ “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” đã được đưa vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay nên có trường hợp bị hiểu lầm doanh nghiệp KNST là doanh nghiệp nhỏ và vừa - SME), dẫn đến thiếu hiệu quả trong việc áp dụng các chính sách. Tuy có phần giao thoa, nhưng doanh nghiệp SME và doanh nghiệp KNST là 2 nhóm đối tượng hoàn toàn khác nhau về giai đoạn phát triển, mục đích, khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, mục tiêu, chiến lược phát triển và cách tiếp cận hoạt động kinh doanh, do đó đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ rất khác nhau.
Hoàn thiện nhiệm vụ
Thời gian qua, hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng, thành tựu KH&CN. Tuy nhiên, một số vấn đề vướng mắc cơ bản, liên quan đến định danh cho các đối tượng khởi nghiệp cần tập trung giải quyết nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trong huy động các nguồn lực cho phát triển bền vững hệ sinh thái KNST nói riêng và hệ thống ĐMST quốc gia nói chung.
Vì vậy, ngay trong dự thảo Kế hoạch tổng thể của Ban Điều hành Đề án 844 năm 2024 được xây dựng từ đầu năm để xin ý kiến các thành viên Ban Điều hành, phương hướng trọng tâm đầu tiên được đưa ra chính là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách; cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi trực tiếp. Cụ thể: hành lang pháp lý thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực cho doanh nghiệp KNST và hành lang pháp lý chi tiết về đối tượng quản lý trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (định danh các đối tượng, quy định chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị hỗ trợ…).
Tại hội thảo chính sách đầu tư KNST do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đầu tháng 6, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, KNST sở hữu khung khổ pháp lý riêng là vô cùng cần thiết. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng Nghị định về Khởi nghiệp sáng tạo để trình Chính phủ ban hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm