Logistics miền Trung đối mặt với nhiều áp lực

TUẤN VỸ - HUỲNH TRÃI 28/06/2024 11:58

Logistics khu vực miền Trung luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, dịch chuyển cơ cấu kinh tế mạnh nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn từ hạ tầng, kết nối, nguồn nhân lực.

>>Tìm giải pháp phát triển logistics xanh

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn khu vực miền Trung đạt hơn 46,7 tỷ USD, giảm hơn 2,4 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 22 tỷ USD, ngạch nhập khẩu đạt gần 24,7 tỷ USD.

Vẫn còn nhiều áp lực

Tại Hội nghị “Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 28/6, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin khu vực miền Trung đang đối mặt với nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế. Cụ thể, bà Thắng dẫn chứng tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra, kinh tế biển chưa có tính đột phá, hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển,...

Theo bà Thắng, ngoài ra còn có những vấn đề tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc. Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi, nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp.

“Cùng với đó là hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Đồng thời, thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn”, bà Thắng nhìn nhận.

a

Hội nghị “Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu khu vực miền Trung” do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 28/6.

Theo ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Vị này cho rằng hoạt động kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng  trong bối cảnh hiện nay là hoạt động thiết thực.

“Địa phương kỳ vọng hoạt động kết nối giao thương sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng nói riêng tìm được cơ hội hợp tác, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm của doanh nghiệp thông qua các hệ thống phân phối nước ngoài, thúc đẩy hơn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Nam nói.

Nói về lợi thế của địa phương, ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho hay tỉnh có thế mạnh trong xuất khẩu thủy sản, nhiều sản phẩm chế biến của các doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng thị hiếu tiêu dùng cao tại thị trường các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ngoài ra, Khánh Hòa còn có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dần được hình thành phát triển, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Khánh Hòa và Khu vực Tây Nguyên chủ yếu vận chuyển thông qua các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động kết nối, phân phối hàng hóa, xây dựng khu kinh tế biển, hiện đại hoá các hoạt động logistics của tỉnh Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Khánh Hòa chưa có cảng biển phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa đóng trong container, chưa có Trung tâm logistics phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Hải chia sẻ.

Giải pháp nào tạo động lực cho logistics?

Theo các ý kiến, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ tại địa phương và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội. Từ đây sẽ tạo “đòn bẩy” cho hoạt động thương mại dịch vụ và xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của miền Trung.

Tại hội nghị, ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam đề xuất khuyến khích, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, thu hút các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô địa phương để phát triển hoàn thiện hạ tầng logistics. Đồng thời, các địa phương miền Trung cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. 

“Cần đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối cung cầu ở cả thị trường trong nước và quốc tế, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Nhà nước đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng. Từ đây, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển”, ông Minh đề xuất.

a

Cần hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics để phục vụ sản xuất, tiêu thụ tại địa phương và xuất khẩu.

Đặt biệt, ông Minh cũng đề cập đến vấn đề cải cách, hiện đại hoá hoạt động hải quan, đặc biệt là áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN giúp thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nhanh chóng. Việc này sẽ giúp cho các doanh nghiệp logistics đẩy nhanh được tốc độ vận chuyển, giao hàng, qua đó nâng cao được uy tín với khách hàng, thúc đẩy cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu ra thế giới.

Tương tự, ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong việc kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng Hệ thống cảng biển theo.Việc này đã thể hiện tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Hệ thống các dịch vụ Logicstic theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

“Bộ Công Thương cần phối hợp Bộ Tài chính, Tổng cục Hải Quan hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ về các cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế xuất khẩu. Cùng với đó là hỗ trợ các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, các quy định liên quan đến thương mại biên giới và cửa khẩu”, ông Nam kiến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, logistics

    Đà Nẵng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, logistics

    01:00, 28/06/2024

  • Thúc đẩy số hóa logistics

    Thúc đẩy số hóa logistics

    16:00, 20/06/2024

  • Cảng Chu Lai phát huy vai trò mũi nhọn trong hoạt động logistics tại miền Trung

    Cảng Chu Lai phát huy vai trò mũi nhọn trong hoạt động logistics tại miền Trung

    09:32, 28/06/2024

  • Chuyển đổi số ngành logistics để thúc đẩy tăng trưởng

    Chuyển đổi số ngành logistics để thúc đẩy tăng trưởng

    03:00, 18/06/2024

  • Thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh cho ngành logistics

    Thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng xanh cho ngành logistics

    00:37, 15/06/2024

TUẤN VỸ - HUỲNH TRÃI