Đổi mới sáng tạo công nghệ - Chìa khóa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng

THANH HẢI 28/06/2024 14:23

Sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi đòi hỏi hệ thống điện cần có tính linh hoạt cao hơn. Ngoài công nghệ truyền thống, hệ thống điện cần được đầu tư thêm các công nghệ mới.

>>Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Tăng tốc nhưng chưa đủ

Tại diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”, do Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Sở Công Thương Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ và các đơn vị liên quan tổ chức, các chuyên gia chỉ ra rằng tỷ lệ công suất đặt năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời trong hệ thống điện Việt Nam đã tăng nhanh trong các năm gần đây, và tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới theo các mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch điện VIII.

Sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi đòi hỏi hệ thống điện cần có tính linh hoạt cao hơn. Ngoài các công nghệ truyền thống, hệ thống điện cần được đầu tư thêm các công nghệ mới để tăng cường tính linh hoạt hệ thống.   

Ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần sự hợp tác từ 3 phía là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, đối tượng áp dụng các chính sách vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực nội địa về công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”.

Đánh giá về triển vọng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam, TS. Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đức là rất lớn.

Ông Fabian chia sẻ: “Tại Đức, chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp thành công trong việc tạo ra những công nghệ năng lượng có giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường. Chúng tôi đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tại đây. Các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường đầu tư và luôn sẵn sàng chia sẻ những công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam. Những công nghệ đổi mới sáng tạo đã được chứng tỏ là có hiệu quả cao và đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch năng lượng của chúng tôi cũng như nhiều nước khác nữa. Các dạng năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng sẽ định hình thế giới mới của chúng ta.

Quá trình chuyển dịch năng lượng cần sự hợp tác từ các cơ quan nhà nước và tư nhân. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để trong tương lai chúng ta có nhiều thành công hơn nữa trong quá trình chuyển dịch năng lượng”. Ông Fabian nhấn mạnh công nghệ là chìa khóa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng. 

Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) chia sẻ: “Thông qua sự tài trợ của Chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đang triển khai Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á tại bốn nước bao gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Tại Việt Nam, chúng tôi đồng hành cùng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam nắm bắt xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng. Đó không chỉ là ở việc chuyển giao những công nghệ mới mà còn ở năng lực tiếp nhận thông tin, quản lý dự án và nâng cao năng lực sản xuất các linh, phụ kiện và dịch vụ trong chuỗi giá trị”.  

Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tại cuộc đàm phán Chính phủ Đức – Việt Nam vào tháng 11 năm 2023, Chính phủ Đức cam kết sẽ cung cấp viện trợ phát triển chính thức không hoàn lại 61 triệu Euro cho các lĩnh vực: năng lượng, bảo vệ rừng và đào tạo nghề, giúp nền kinh tế Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hoa Sen Group và SP Group ký hợp tác chiến lược phát triển bền vững năng lượng sạch

    Hoa Sen Group và SP Group ký hợp tác chiến lược phát triển bền vững năng lượng sạch

    11:56, 27/06/2024

  • Hà Nội nỗ lực chuyển đổi 100% xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh

    Hà Nội nỗ lực chuyển đổi 100% xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh

    08:51, 22/06/2024

  • Chuyển dịch năng lượng chờ cú hích từ thể chế

    Chuyển dịch năng lượng chờ cú hích từ thể chế

    02:00, 21/06/2024

THANH HẢI