Nhà đầu tư hiến kế phát triển du lịch Hà Tĩnh

[ Ngọc Thái – Hồng Quang ] 30/06/2024 01:00

Nhà đầu tư cho rằng, muốn đưa du lịch Hà Tĩnh lên một tầm cao mới thì phải nâng cao sức cạnh tranh cho từng loại hình sản phẩm…

>>Giải mã “điểm nghẽn” của ngành du lịch Hà Tĩnh

Để làm được điều đó, trước hết địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp ngành, người dân về phát triển du lịch, tập trung đào tạo nguồn nhân lực lao động, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch phục vụ du lịch cũng như phát triển các loại hình dịch vụ theo hướng đáp ứng tối đa mọi nhu cầu của khách hàng.

 Làng chè Sơn Kim 2 được Bộ NN&PTNT chọn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hải.

Làng chè Sơn Kim 2 được Bộ NN&PTNT chọn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Hải.

Còn thiếu và nhiều hạn chế…

Những năm qua, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có sự khởi sắc với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thế nhưng, khi so sánh với các địa phương có điều kiện tự nhiên khá tương đồng thì du lịch Hà Tĩnh vẫn chỉ là vùng trũng, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, năm 2022, địa phương đón 1,6 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, vượt 200% chỉ tiêu đặt ra trong cả năm 2022; trong đó, khách lưu trú nội địa đạt 319.225 lượt, khách lưu trú quốc tế đạt 10.376 lượt. Bước sang năm 2023, Hà Tĩnh đón hơn 3,36 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, vượt 34% kế hoạch và tăng 110% so với cùng kỳ. Trong đó, khách lưu trú nội địa đạt 897.651 lượt, khách lưu trú quốc tế là 14.661 lượt.

Những số liệu nêu trên cho thấy những chuyển biến về lượng khách du lịch đến Hà Tĩnh trong thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, các sản phẩm du lịch của Hà Tĩnh hiện nay vẫn đang còn thiếu và hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương.

Chia sẻ về vấn đề này với DĐDN, ông Trần Quốc Lâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Song Ngư Sơn nhìn nhận, đối với tỉnh Hà Tĩnh, những hạn chế về các sản phẩm du lịch thuộc về hạ tầng, dịch vụ; trong đó, quá trình xây dựng sản phẩm du lịch hầu như chưa có sự độc đáo để hấp dẫn du khách.

Đơn cử, Hà Tĩnh có bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon, tuy nhiên, phòng nghỉ chưa thực sự chất lượng và tiện nghi. Nhiều cơ sở xây dựng từ lâu nay đã xuống cấp nhưng không được tái đầu tư, tu sửa. Trong khi đó, các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ mới thì lại có số lượng ít. Chưa kể, một số dịch vụ liên quan đến ẩm thực, hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn còn thiếu và yếu, không hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.

Cũng qua khảo sát, phân tích những hạn chế trong cách thức phát triển du lịch tại Hà Tĩnh, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia đầu ngành đều có chung nhận định, địa phương này chưa có quá nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo để thu hút khách du lịch. Các loại hình du lịch có tiềm năng lớn như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, nông thôn mới, văn hóa, tâm linh… cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn rất hạn chế, chưa có tính cạnh tranh cao so với một số tỉnh, thành phố khác có điều kiện tương đồng.

“Hiến kế” đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển

Nhằm đưa du lịch Hà Tĩnh phát triển bền vững theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn, ông Trần Quốc Lâm cho rằng: Trước hết, địa phương cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch. Cụ thể, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và nhà đầu tư cần phải đề ra các kế hoạch, giải pháp triển khai hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm; lấy đích đến là du lịch xanh – bền vững và đặc biệt là lấy trải nghiệm của du khách làm trọng tâm để phát triển.

Bên cạnh đó, tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh khai thác các phân khúc thị trường khách du lịch, các sản phẩm chuyên đề mà Hà Tĩnh có thế mạnh như: Du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn mới.

“Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên các lợi thế, tiềm năng của Hà Tĩnh để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách trong và ngoài nước cũng như tăng tỷ lệ khách quay lại. Quan trọng nhất là sản phẩm phải hấp dẫn, phù hợp để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn” – ông Lâm chia sẻ thêm.

Cũng qua góc nhìn nhà đầu tư, ông Trần Quốc Lâm cũng mong muốn và đề xuất thêm một số giải pháp để phát triển du lịch Hà Tĩnh bền vững, lâu dài như: Địa phương cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đồng thời, ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để huy động nguồn lực đầu tư tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch.

“Thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư và các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, doanh nhân và cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính. Ưu tiên nguồn lực cho công tác quy hoạch, đào tạo nhân lực, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển du lịch cộng đồng; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch” – ông Trần Quốc Lâm nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Khẳng định thương hiệu, sản phẩm du lịch ẩm thực của Việt Nam

    Khẳng định thương hiệu, sản phẩm du lịch ẩm thực của Việt Nam

    21:19, 27/06/2024

  • Du lịch lặn biển thu hút du khách

    Du lịch lặn biển thu hút du khách

    03:00, 25/06/2024

  • Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

    Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc

    00:20, 24/06/2024

[ Ngọc Thái – Hồng Quang ]