Đắk Lắk quyết tâm cải thiện chỉ số PCI
Để cải thiện chỉ số PCI cũng như tạo lực hút đầu tư, tỉnh Đắk Lắk đã lên kế hoạch cụ thể, hành động quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, hiệu quả.
>>Quy hoạch Đắk Lắk mở ra cơ hội và không gian phát triển
Với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023, Đắk Lắk ghi nhận chỉ số tăng 9 bậc so với năm 2022, đạt 64,46 điểm (tăng 3,55 điểm so với năm 2022). Trong 10 tiêu chí PCI 2023, có 8/10 tiêu chí tăng điểm là Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động.
Địa phương quyết tâm cải thiện
Để cải thiện PCI, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đồng thái quyết liệt trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Qua đó, tạo được nhiều thiện cảm với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, gây dựng được mối liên kết bền chặt, từ đó, doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư, hoạt động tại địa phương.
Ngay từ đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đã ký ban hành công văn đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số PCI. Qua đó thể hiện quyết tâm cao nhất của địa phương trong việc nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của đơn vị. Trong đó có nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện để cải thiện mạnh điểm số và thứ hạng của từng chỉ số, chỉ tiêu thành phần mà đơn vị có liên quan. Đặc biệt phân công 01 lãnh đạo phụ trách chỉ đạo công tác PCI tại đơn vị.
Về nhiệm vụ cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối cải thiện Chỉ số “Tính minh bạch”, Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối cải thiện Chỉ số “Tính năng động”, “Chi phí thời gian”, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối cải thiện Chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”. Còn lại, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối cải thiện Chỉ số “Đào tạo lao động”, các UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm, chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền.
Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk lưu ý các đơn vị xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt là cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường minh bạch, giảm chi phí không chính thức , tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
Công văn của tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; xây dựng thiết chế pháp lý, an ninh trật tự để cải thiện niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống pháp luật và tạo môi trường an ninh trật tự để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Các sở, ngành tăng cường gặp gỡ, đối thoại công khai để kịp thời tiếp nhận giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, phát hiện những bất cập trong quy định của pháp luật, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với tình hình thực tế”.
Cùng với đó là triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Trọng tâm là nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, trách nhiệm của cán bộ, viên chức để hỗ trợ giải quyết TTHC cho doanh nghiệp. Cương quyết xử lý nghiêm các những trường hợp có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch trong thực thi công vụ và tiếp xúc người dân, doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản gửi đến các địa phương, Hiệp hội, Hội,... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoạt động một cách thuận lợi nhất. Cụ thể là đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC , nhất là các TTHC về đăng ký doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, phòng cháy chữa cháy,...
Văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk thể hiện rõ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được hoạt động một cách thuận lợi nhất, Sở sẽ rút ngắn thời gian giải quyết một số TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 20/3/2024. Trong đó, rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc khi đăng ký thành lập mới từ 03 ngày làm việc xuống còn 02 ngày. Cùng với đó, rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 03 ngày làm việc xuống còn 01 ngày làm việc.
Cụ thể, các thủ tục như đăng ký thay đổi địa điểm trụ sở chính, đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp, thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân, thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Đồng thời, rút ngắn thời gian thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh, cập nhật bổ sung thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị các đơn vị liên quan quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các địa phương chưa ban hành kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của đơn vị theo yêu phải khẩn trương chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch nâng cao PCI gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, theo dõi, báo cáo UBND tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng được yêu cầu vận động doanh nghiệp trên địa bàn sớm thành lập Hội doanh nghiệp và nhóm zalo doanh nghiệp, xây dựng Kế hoạch triển khai tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, định kỳ 02 lần/năm theo đúng yêu cầu của UBND tỉnh. Cùng với đó, các địa phương giao các phòng, đơn vị tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn để cùng đồng hành và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.
Song song là tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ Hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp trên địa bàn huyện và của tỉnh.
Từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, một địa phương được xem là có chất lượng điều hành tốt khi có Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng. Ngoài ra, các chỉ số Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; Chất lượng đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì cũng được doanh nghiệp xem trọng. |
Có thể bạn quan tâm
Đắk Lắk: Đặt hy vọng ở thị trường tỷ dân
15:52, 16/06/2024
Đắk Lắk: Gỡ vướng cho công trình trọng điểm
08:07, 09/05/2024
Hải quan Đắk Lắk đẩy mạnh thu ngân sách, phòng chống tiêu cực
13:01, 03/04/2024
Gỡ khó hạ tầng khu công nghiệp ở Đắk Lắk
15:30, 21/03/2024
Đắk Lắk: Tăng tốc phát triển du lịch
10:22, 02/03/2024