Bắc Ninh: Sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với những không gian và động lực phát triển mới sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT-XH bền vững.
Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Bà Giang cho biết, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 là kim chỉ nam để tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
- Xin bà cho biết những tư duy đổi mới được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh?
Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, nên Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực để thực hiện công tác quy hoạch chung của tỉnh.
Làm quy hoạch cần phải có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược để có một bản quy hoạch chất lượng. Tư duy phải đổi mới để tạo ra nguồn lực, động lực; tầm nhìn chiến lược chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát huy nội lực của tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm những nội dung rất quan trọng như: quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, không gian lãnh thổ, kết cấu hạ tầng, sử dụng đất, bảo vệ môi trường... Qua đó, phát huy những lợi thế so sánh để đưa Bắc Ninh sớm trở thành một tỉnh phát triển bền vững, là trung tâm kinh tế - văn hóa khu vực phía Bắc.
- Đâu là điểm đột phát trong Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, thưa bà?
Trên cơ sở kế thừa, phát huy các định hướng, chiến lược, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đưa ra mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo đó, Bắc Ninh sẽ hình thành 5 hành lang kinh tế, đó là: hành lang kết nối đô thị - thương mại - dịch vụ dọc Quốc lộ 1A, nối Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang; Hành lang kết nối dịch vụ - công nghiệp - thương mại dọc Quốc lộ 18, nối Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ, xây dựng khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp; hành lang sinh thái dọc tuyến sông Đuống, sông Cầu, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, nông nghiệp; hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao dọc Quốc lộ 17, nối Quế Võ - Gia Bình - Lương Tài - Thuận Thành; hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và Vành đai 4 vùng Thủ đô; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du và thị xã Thuận Thành dọc tuyến Đường tỉnh 276.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển đa dạng các loại hình thương mại, chú trọng dịch vụ logistics và vận tải, dịch vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử cội nguồn theo dòng thời gian,...).
- Bắc Ninh sẽ làm gì để sớm hiện thực hóa Quy hoạch này, thưa bà?
Quy hoạch của tỉnh đã cơ bản khắc phục được những hạn chế về sự chồng chéo giữa các quy hoạch trước đây, được cơ quan soạn thảo lắng nghe, tiếp thu từ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Cũng cần khẳng định rằng, Quy hoạch đã chỉ ra cho các nhà đầu tư những lĩnh vực mà tỉnh Bắc Ninh định hướng ưu tiên phát triển trong tầm nhìn trung hạn, dài hạn. Đây sẽ là cơ hội để các “đại bàng” nghiên cứu chiến lược đầu tư và quyết định “rót vốn” vào tỉnh. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Có quy hoạch tốt phải có dự án tốt, dự án tốt phải có nhà đầu tư tốt” – tỉnh Bắc Ninh sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số chuyên nghiệp, hiện đại. Quan trọng hơn, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), để từ đó nhà đầu tư, doanh nghiệp có một môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi. Việc nâng cao điểm số, thứ hạng của các chỉ số thành phần PCI sẽ là minh chứng cho những nỗ lực cải cách của tỉnh, được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Bắc Ninh phấn đấu trong thời gian tới sẽ quay trở lại Top 10 địa phương có năng lực điều hành kinh tế xuất sắc của cả nước.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị tỉnh, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm