Vì sao giá nhà khó hạ nhiệt?
Theo các chuyên gia, thị trường nhà ở bị đẩy giá lên cao một phần vì nhu cầu đầu cơ rất lớn. Hiện mức độ quan tâm đã hạ nhiệt nhưng nhà đầu tư vẫn ở thế dò giá, chớp cơ hội.
>>Bất động sản TP.HCM "ấm" trở lại
Giá nhà neo cao do đầu cơ
Chia sẻ mới đây, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các phân khúc nhà ở thu hút nhu cầu đầu tư rất lớn, bên cạnh những người mua ở thực. Đáng chú ý, những người trong nhóm này, "không thiếu nhà" nhưng vẫn muốn mua để đầu cơ, trong khi nguồn cung thị trường ít ỏi, không đáp ứng được hết nhu cầu, khiến "giá bị đẩy lên cao".
Lãnh đạo Vụ Đất đai ghi nhận tình trạng này phổ biến với các phân khúc nhà ở bởi vừa tầm tiền, dễ mua bán với phần đông nhà đầu tư. Trong khi loại hình khác, như bất động sản công nghiệp, theo ông "không phải ai cũng đầu tư được bởi cần nguồn vốn lớn".
Cũng ghi nhận tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan cũng cho biết chung cư có thanh khoản tích cực bởi đáp ứng nhiều tiêu chí mà người mua và nhà đầu tư đặt ra trong thời điểm thị trường bắt đầu "đảo chiều", gồm đáp ứng nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có chính sách hỗ trợ tài chính tốt. Loại hình này còn đem đến lợi suất cho thuê ổn định nên được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Dữ liệu của đơn vị này cho thấy trong tháng 5, giá rao bán chung cư Hà Nội đã ngang TP.HCM, đạt 50 triệu đồng mỗi m2. Đà tăng giá căn hộ tại thủ đô so với đầu năm 2023 là 31%, trong khi TP.HCM chỉ tăng 6%.
Trong khi đó, tham gia thị trường 15 năm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết ông không ngờ đến là giá chung cư ngoại thành đã lên 60-70 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, thu nhập của người dân có xu hướng giảm do kinh tế khó khăn thì giá nhà lại liên tục leo thang.
>>Kích cầu vay tiêu dùng bất động sản
Hạ nhiệt bằng tăng nguồn cung
Nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn cung, theo các chuyên gia là do các thủ tục pháp lý phức tạp, kéo dài. Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - Nguyễn Thế Điệp cho biết, để làm một dự án bất động sản các thủ tục chuẩn chuẩn bị có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, thậm chí có những dự án đến 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản rất lớn kìm hãm đà tăng của bất động sản.
Đưa ra giải pháp về nhà ở, ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng cần tạo nguồn lực cho bất động sản thương mại phát triển. Nhà thương mại là xu thế chung của thời đại, đòi hỏi thông minh, nhiều tiện ích. Hiện nay, giá nhà ở thương mại ở Việt Nam so với thế giới thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mức giá này cao hơn so với thu nhập của người dân. Để phân khúc này phát triển nên vận hành theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, nhà nước cần đảm bảo các quyền lợi của những người làm công ăn lương, những người không tiếp cận được với nhà ở thương mại. Đảng, nhà nước và các bộ, các ngành, các địa phương cần có những chính sách thiết thực, giảm bớt những điều kiện, thủ tục pháp lý phức tạp, nới lỏng điều kiện tiếp tận nhà ở xã hội để người dân có nhà.
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, các địa phương cần điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó cụ thể về số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội 2024-2025 và công khai danh mục dự án đầu tư nhà ở xã hội độc lập để nhà đầu tư đăng ký.
Bên cạnh đó, rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và làm việc với chủ đầu tư để giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng, nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ… và chuyển đổi sang nhà ở xã hội.
Đặc biệt, ông Chiến cho rằng, cần sớm hình thành quỹ đầu tư nhà ở xã hội với mục tiêu cuối cùng là giải bài toán mất cân đối cung cầu để sớm bình ổn thị trường và tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này.
Có thể bạn quan tâm