Bắc Ninh: Phát huy bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 07/07/2024 07:21

Để phát triển du lịch bền vững, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa mang ý nghĩa “sống còn” đối với ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, ấn tượng.

>>> Du lịch Việt phục hồi mạnh mẽ sau 6 tháng đầu năm

Theo các chuyên gia, việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, độc đáo là đòi hỏi tất yếu của ngành du lịch Việt để thu hút du khách. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều địa phương xuất hiện ngày càng nhiều những khu du lịch “vay mượn, sao chép” các đặc trưng văn hóa nước ngoài, thậm chí tạo dựng những bản sao không gian kiến trúc, biểu tượng văn hóa của các nước khác với quy mô lớn, nguy cơ khiến văn hóa bản địa trở nên lu mờ, thậm chí yếu thế trước văn hóa ngoại lai. Mặc dù các sản phẩm này có thể góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài một nền du lịch muốn phát triển bền vững chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở bản sắc văn hóa của dân tộc, địa phương đó.

Dân ca quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Dân ca quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Văn hóa là nguồn lực phát triển du lịch

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, trong bất kỳ hoạt động du lịch nào, phần đông khách du lịch luôn muốn có những trải nghiệm mới mẻ và được khám phá về vùng đất, quốc gia mà họ ghé thăm ở các khía cạnh: phong tục tập quán, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, những kiến trúc, nghệ thuật trình diễn, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm văn hóa khác... Những trải nghiệm mà khách du lịch hướng đến là sự khác biệt về văn hóa. Bản sắc văn hóa của các vùng miền, các dân tộc, các địa phương chính là điều tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch đến từ vùng miền của đất nước, thậm chí từ các quốc gia khác.

Đối với Bắc Ninh, đây vốn được coi là vùng đất văn hiến, cách mạng, miền quê của nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử tiêu biểu, làng nghề truyền thống nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, được thế giới vinh danh. Do đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương này nhiều năm qua.

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt ra mục tiêu đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách, đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của cả nước.

Theo ông Hùng, tỉnh đang phấn đấu phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế về di sản văn hóa; phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, du lịch thông minh. Cũng theo đề án, trong giai đoạn 2025 – 2030, ngành du lịch Bắc Ninh ưu tiên phát triển từ 3 – 5 sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa nổi trội để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ có ít nhất 2 khu du lịch cấp tỉnh và 1 – 2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa Rối nước, hát Trống Quân, nghệ thuật Chèo, Tuồng. Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành một điểm đến, định kỳ tổ chức các hoạt động biếu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa quan họ và các loại hình nghệ thuật dân gian trong và ngoài nước; trưng bày, triển lãm không gian văn hóa quan họ…; thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan, du lịch….

Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh được cho rằng phù hợp với không gian nghe quan họ truyền thống

Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh được cho rằng phù hợp với không gian nghe quan họ truyền thống

Bản sắc văn hóa là điểm nhấn thu hút du lịch

Ông Nguyễn Xuân Côn, Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh) cho biết, hoạt động du lịch tỉnh Bắc Ninh thời gian qua có chuyển biến rõ rệt, có sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa. Đặc biệt, các nét đẹp văn hóa của Bắc Ninh luôn gắn liền với các vùng nông thôn mang đậm nét văn hóa Bắc bộ. Trong khi đó, xu hướng du lịch hiện nay đang chuyển dần từ du lịch truyền thống trong không gian kín sang các loại du lịch mới, du lịch xanh, ưu tiên hơn cho việc lựa chọn các điểm đến gần nhà, các chuyến trải nghiệm nội địa, an toàn gần gũi thiên nhiên với không gian rộng, thoáng mát.

Do đó, phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cùng Chương trình nông thôn mới là một hướng đi sáng tạo, đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Du khách Nhật Bản thích thú với làng nghề gốm Phù Lãng truyền thống tại thị xã Quế Võ, Bắc Ninh

Du khách Nhật Bản thích thú với làng nghề gốm Phù Lãng truyền thống tại thị xã Quế Võ, Bắc Ninh

Thời gian gần đây, du lịch Bắc Ninh còn mở thêm hướng phát triển mới. Nhiều tập thể, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch homestay nghỉ dưỡng,sinh thái kết hợp trải nghiệm và khám phá giá trị văn hóa truyền thống; phát triển du lịch trang trại nông nghiệp kết hợp tham quan du lịch, chụp ảnh check in, mua sắm sản phẩm nông nghiệp, thưởng thức đặc sản địa phương như: Trang trại nông nghiệp công nghệ cao Delco Farm ở Thuận Thành; mô hình trồng tía tô trong nhà kính ở Lương Tài; Hợp tác xã rau an toàn Ngăm Mạc ở Gia Bình; Trung tâm sản xuất thực nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tiên Du... mang đến những trải nghiệm thú vị, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh và là tiền đề để mở rộng và phát triển du lịch của tỉnh.

>>> Bắc Ninh: Sớm hiện thực hóa quy hoạch tỉnh

>>> Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh: Tầm nhìn và khát vọng “cất cánh”

Anh Phạm Đức Hiếu, thành viên Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, xuất phát từ ý tưởng “Phát triển nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao kết hợp trải nghiệm, quảng bá nông sản và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”, anh đã đầu tư mô hình du lịch sinh thái văn hóa Green Farm tại huyện Tiên Du nhằm xây dựng một không gian mở, chú trọng những kiến trúc truyền thống, nhiều cây xanh, khuôn viên thoáng đãng, yên tĩnh, không khí trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Trong quần thể chung được quy hoạch thành nhiều phân khu khác nhau để du khách có thể thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trải nghiệm các hoạt động về nông nghiệp, tham gia trò chơi dân gian, trải nghiệm sản xuất gốm, tranh Đông Hồ, trình diễn dân ca quan họ trên thuyền, Ca trù,…

Trải nghiệm hát quan họ tại khu du lịch sinh thái văn hóa Green Farm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh

Trải nghiệm hát quan họ tại khu du lịch sinh thái văn hóa Green Farm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh

“Chính nhờ sự kết hợp nhiều loại hình dịch vụ sẽ hướng tới phục vụ và đáp ứng được nhu cầu của nhiều du khách ở các nhóm độ tuổi khác nhau; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh”, anh Hiếu cho hay.

Với lợi thế về tiềm năng du lịch, thời gian tới, ngành du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quan tâm thực hiện các quy hoạch và dự án du lịch đã được phê duyệt; tập trung đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ các di sản văn hóa, di tích lịch sử với kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường để thu hút du khách. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch Bắc Ninh, đặc biệt là du lịch văn hóa với 7 nét đặc trưng là: Quê hương của dân ca Quan họ; văn hóa tâm linh; lịch sử văn hiến; lễ hội; khoa bảng; làng nghề và kiến trúc. Đồng thời, Bắc Ninh hướng tới liên kết với các tỉnh, thành lân cận, đặc biệt là Hà Nội để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa, để phát huy lợi thế các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.

Năm 2023, du lịch Bắc Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng định hình thương hiệu du lịch Bắc Ninh. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượt khách đến Bắc Ninh năm 2023 đạt trên 1,6 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ và đạt 103% kế hoạch đề ra. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ, đạt 102% kế hoạch năm 2023.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới

    Quảng Nam tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới

    02:30, 07/07/2024

  • Nhìn lại sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

    Nhìn lại sai phạm tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

    00:30, 05/07/2024

  • Cần giải pháp đồng bộ tạo sức mạnh tổng thể cho du lịch Việt

    Cần giải pháp đồng bộ tạo sức mạnh tổng thể cho du lịch Việt

    04:56, 04/07/2024

  • Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc

    Thúc đẩy hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc

    00:20, 02/07/2024

  • Liên hoan Phim Châu Á sẽ khai màn tại Quần thể Du lịch Quốc tế Ariyana - Furama Đà Nẵng

    Liên hoan Phim Châu Á sẽ khai màn tại Quần thể Du lịch Quốc tế Ariyana - Furama Đà Nẵng

    09:32, 01/07/2024

  • Quảng Nam: Doanh nghiệp du lịch “khóc ròng” vì hạ tầng giao thông

    Quảng Nam: Doanh nghiệp du lịch “khóc ròng” vì hạ tầng giao thông

    11:42, 30/06/2024

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG