Những giải pháp như kéo dài thời hạn lưu trú cho khách du lịch Hàn Quốc là một trong những điều kiện thuận lợi giúp hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc cất cánh trong thời gian tới.
>>Vì sao du lịch Hàn Quốc “hút” khách Việt?
Theo tin từ Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), trong tháng 6 lượng khách quốc tế đạt hơn 1,2 triệu lượt, đưa tổng lượng khách quốc tế 6 tháng lên trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng 2 thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến sau 6 tháng.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố thí điểm tiếp hai năm chế độ mở rộng cấp thị thực du lịch theo đoàn cho công dân ba nước Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia.
Theo đó, chế độ này được áp dụng thí điểm từ tháng 6 năm ngoái nhằm thu hút khách du lịch từ ba quốc gia trên. Đối tượng cấp visa theo đoàn là "khách đoàn du lịch khen thưởng của doanh nghiệp và du lịch tham quan thực tế trên 5 người" được đổi thành "khách đoàn du lịch thông thường trên 3 người".
Visa du lịch theo đoàn là loại visa được đơn giản hóa về quy trình hồ sơ, thủ tục thẩm định thị thực. Sau khi có quy định này, khách đoàn từ Việt Nam, Philippines và Indonesia nhập cảnh vào Hàn Quốc đã tăng từ 23.781 lên 47.397 lượt khách, tức đã tăng gấp đôi chỉ trong năm ngoái.
Tiền đề củng cố quan hệ hợp tác Việt - Hàn
Xoay quanh những chiến lược hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang triển khai, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Hà Văn Siêu Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh đặc thù của du lịch Việt Nam, đặc biệt là điểm cộng riêng có trong quan hệ hữu nghị hợp tác du lịch Việt Nam-Hàn Quốc trong suốt 32 năm qua, ngành du lịch Việt Nam có chiến lược riêng trong xúc tiến, quảng bá vào thị trường Hàn Quốc.
Trong giai đoạn vừa qua, bên cạnh những chính sách đổi mới, cởi mở thuận lợi, chúng ta đã nỗ lực, dày công, kiên trì giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, vẻ đẹp văn hóa và thiên nhiên Việt Nam đến với thị trường Hàn Quốc và đã gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận nêu trên. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược phát triển vươn lên tầm cao về tính chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững trong bối cảnh cạnh tranh, công nghệ và toàn cầu hóa đòi hỏi du lịch Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện, đặc biệt trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Đối với thị trường Hàn Quốc, hằng năm chúng ta vẫn sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, như giới thiệu điểm đến, khảo sát điểm đến, tuần văn hóa-du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc, hội chợ du lịch, sự kiện, kết nối doanh nghiệp… nhưng chuyên nghiệp hơn, đa dạng và lựa chọn đúng phân khúc thị trường mục tiêu.
Chiến lược tập trung quảng bá sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm xanh, chuyên biệt có hàm lượng văn hóa và công nghệ cao có tiêu điểm nhằm vào thị trường mới ở phân khúc cao cấp có tính cá biệt cao, như du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng-công vụ (bleisure), du lịch giải trí tương tác cao, du lịch chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, du lịch golf, du lịch sự kiện; xây dựng và định vị hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam rõ nét hơn, vững chắc hơn với thông điệp về một Việt Nam - vẻ đẹp bất tận "dành cho bạn".
Đối với thị trường Hàn Quốc nhất định phải đổi mới, xây dựng được nội dung quảng bá truyền tải làm nổi bật những cơ hội khám phá, trải nghiệm và tận hưởng những tinh hoa văn hóa, sinh thái, ẩm thực và di sản của Việt Nam.
Xác định những ưu tiên trong chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, trong đó tiếp tục quảng bá mở rộng kết nối điểm đến gắn với quảng bá các đường bay mới; hướng tới hình thành và phát huy vai trò văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc; mở rộng kết nối đối tác doanh nghiệp đa ngành; thông qua các nhân vật ảnh hưởng để (KOL) để quảng bá cả trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng số.
Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc và cân nhắc liên kết với đối tác, sử dụng tư vấn bản địa để quảng bá. Bên cạnh đó, quảng bá tại chỗ thông qua không ngừng hoàn thiện quy trình chất lượng dịch vụ điểm đến đối với thị trường đặc thù Hàn Quốc.
Có thể bạn quan tâm