Chống gian lận thuế: Cần “bịt lỗ hổng” từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp
Để tránh trường hợp các cá nhân thành lập công ty với mục đích xấu, gây thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước, theo chuyên gia, cần “bịt lỗ hổng” từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp…
>> Giải pháp nào chống thất thu thuế thương mại điện tử?
Theo đó, lợi dụng việc thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp một cách nhanh chóng, dễ dàng và thông thoáng, thời gian qua, không ít các đối tượng đã lợi dụng chính sách thực hiện việc lập nhiều “doanh nghiệp ma” để phục vụ cho mục đích trái pháp luật.
Thực tế vừa qua, cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện chỉ trong thời gian ngắn, một cá nhân thành lập đến 116 công ty và đăng ký với tên nước ngoài. Đáng nói, cá nhân thành lập doanh nghiệp và các đồng phạm đã bị cơ quan chức năng bắt giữ để điều tra về tội “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn tất hồ sơ và chuyển sang cơ quan điều tra 3 doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền khoảng 700 tỷ đồng.
Việc xuất hiện nhiều “doanh nghiệp ma” lợi dụng hóa đơn điện tử để trục lợi, hay thực hiện các hành vi phạm pháp không chỉ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về thuế dẫn nguy cơ thất thu ngân sách, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, sự việc trên cho thấy có “lỗ hổng” rất lớn trong cấp phép đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp nên có sự rà soát ngay từ khâu đăng ký.
>> Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản
Thực tế thời gian qua, để tránh tình trạng các “doanh nghiệp ma” hoành hành, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp để “bịt lỗ hổng” như mời chủ doanh nghiệp lên để nhận diện chủ doanh nghiệp, có trường hợp còn kiểm tra trụ sở làm việc theo đăng ký kinh doanh… trước khi cấp phép sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, để chống gian lận thuế, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó có đơn vị cấp phép của các Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Xoay quanh vấn đề này, dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, hiện nay không có quy định nào liên quan đến việc hạn chế số lượng công ty mà cá nhân được phép thành lập. Do đó, một cá nhân, tổ chức vẫn có thể thành lập nhiều công ty TNHH hoặc nhiều công ty cổ phần. Như vậy, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, một hộ kinh doanh hoặc chỉ là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh.
Nếu cá nhân đã là chủ của một doanh nghiệp tư nhân thì sẽ không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh; cũng không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần…
Theo Luật sư Hiệp, số lượng công ty mà mỗi cá nhân có thể thành lập hoặc góp vốn sẽ là không giới hạn nếu họ chỉ là thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên hay cổ đông của công ty cổ phần hay thành lập công ty TNHH một thành viên. Bởi, trong trường hợp này, chủ công ty hay thành viên doanh nghiệp chỉ cần chịu trách nhiệm về số vốn đã góp vào công ty hay tỉ lệ cổ phần đang sở hữu. Do đó, hiện nay không thể trả lời chính xác là số doanh nghiệp mỗi người có thể thành lập tối đa là bao nhiêu nhưng nếu chỉ thành lập công ty TNHH một thành viên, góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần thì số lượng công ty được thành lập là không giới hạn.
Và để “bịt lỗ hổng” về việc các cá nhân thành lập “doanh nghiệp ma” với mục đích xấu, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp cho rằng, cần rà soát lại lỗ hổng ngay từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp. Cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Đồng thời, quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan như hiện nay.
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, sau quá trình thực hiện cấp phép thành lập doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng nên thực hiện công tác hậu kiểm về tình hình hoạt động thực tế của doanh nghiệp, đưa những doanh nghiệp vào diện theo dõi khi có dấu hiệu nghi ngờ; cơ quan thuế cần yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế trước khi thành lập doanh nghiệp mới.
Được biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm mục tiêu quản lý Nhà nước trong trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp…
Theo đó, các quy định mới hướng tới việc tạo điều kiện, thủ tục phù hợp nhu cầu thực tế doanh nghiệp cũng như bối cảnh kinh doanh liên tục có nhiều biến động, có sự liên thông đăng ký doanh nghiệp giữa các cơ quan liên quan, nhất là giữa cơ quan thuế và cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh để tăng cường quản lý, “bịt lỗ hổng” thành lập “doanh nghiệp ma” để thực hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu,…
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp nào chống thất thu thuế thương mại điện tử?
03:30, 10/03/2024
Nghệ An: Nghi vấn thất thu thuế tại dự án Nhà máy may VietSun Hoàng Mai?
00:06, 08/03/2024
Ô tô điện phát triển và nỗi lo thất thu thuế
04:44, 09/02/2024
Ô tô điện phát triển và nỗi lo thất thu thuế
14:13, 25/01/2024
Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản
15:00, 04/07/2023