Hà Nội: hàng nghìn nhà trọ bị yêu cầu ngừng hoạt động

VI ANH 09/07/2024 14:00

Qua công tác kiểm tra và rà soát PCCC, Công an TP Hà Nội yêu cầu 22 chung cư mini, 16.479 nhà trọ dừng hoạt động.

>>Từ 1/8, căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng

Tại buổi họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2024, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về công tác tổng kiểm tra, rà soát các loại hình có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn TP.

Qua công tác kiểm tra và rà soát PCCC, Công an TP Hà Nội yêu cầu 22 chung cư mini, 16.479 nhà trọ dừng hoạt động.

Qua công tác rà soát PCCC, Công an TP Hà Nội yêu cầu 22 chung cư mini, 16.479 nhà trọ dừng hoạt động. Ảnh: VA

Siết chặt chung cư mini, nhà trọ

Theo đó, đối với nhà trọ, cơ quan công an đã tổ chức kiểm tra gần 37.000 cơ sở; xử phạt 3.134 trường hợp và tạm đình chỉ 672 trường hợp; 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động; yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động.

Đối với chung cư mini, cơ quan đã tổ chức kiểm tra đối với 193 cơ sở; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 4 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động. Ở loại hình chung cư, lực lượng chức năng đã kiểm tra 317 cơ sở; xử phạt 4 trường hợp; tạm đình chỉ 2 trường hợp, 2 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động.

>>Hà Nội tồn tại hàng nghìn lỗi vi phạm PCCC tại chung cư mini

Với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra đối với 5.808 cơ sở; tạm đình chỉ 9 trường hợp, một trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 129 cơ sở dừng hoạt động.

Việc hàng nghìn nhà trọ và hàng trăm chung cư mini bị đình chỉ và ngừng hoạt động cho thấy nỗ lực của các cơ quan liên quan trong quản lý loại hình nhà ở này. Khi Luật Nhà ở 2023 chuẩn bị có hiệu lực sẽ giúp công tác này hiệu quả và chặt chẽ hơn.

Theo các chuyên gia, so với pháp luật hiện hành thì Luật Nhà ở 2023 đã đưa ra các quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm an toàn cho loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân và có điều kiện pháp lý cao hơn các quy định trước đây. Trong đó, việc cấp sổ hồng cho chung cư mini cũng sẽ giúp loại hình nhà ở này được quản lý chặt chẽ hơn, phù hợp về các quy chuẩn an toàn trong pháp lý, PCCC.

“Đặc biệt khi chúng ta đã có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đối với các cấp chính quyền, chúng ta phải có biện pháp mạnh tay, rà soát trên địa bàn. Khi thấy các trường hợp có nguy cơ cao, đe dọa đến tính mạng của người dân, phải yêu cầu, thậm chí cưỡng chế người dân bỏ ngay các vật cản, thiết kế thêm lối thoát”, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết.

Thúc đẩy nguồn cung mới

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là việc giải quyết nơi ăn chốn ở của hàng vạn người dân đang sinh sống tại các khu vực này. Hiện nay, Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành đang nỗ lực tìm ra những giải pháp nhằm mở ra các nguồn cung mới để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp.

Hiện nay tồn tại rất nhiều chung cư mini, nhà trọ nhiều tầng không đảm bảo PCCC. Ảnh:DH

Hiện nay tồn tại rất nhiều chung cư mini, nhà trọ nhiều tầng không đảm bảo PCCC. Ảnh:DH

Trong đó, việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng được xem là một trong những giải pháp được đề ra. Như đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ, cần có giải pháp lâu dài và đồng bộ hơn trong quy hoạch đô thị, trong đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp để giảm dần tình trạng nhà cho thuê tự phát hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, phân khúc nhà ở xã hội có thể sẽ bứt phá mạnh về nguồn cung khi các quy định mới cho phép dự án được triển khai thuận lợi hơn, nhanh hơn.

Kỳ vọng đặt vào các luật mới có hiệu lực sẽ phần nào tháo gỡ những nút thắt lâu nay trong quá trình triển khai dự án, từ đó giải phóng nguồn cung, giúp ổn định thị trường. Ông Điệp dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ cải thiện từ năm 2025 và sẽ “bùng nổ” trong giai đoạn 2026 - 2027.

Đặc biệt, việc triển khai nhà ở xã hội cho thuê cũng được cho là giải pháp thiết thực cho người cho dân. Tại nhiều nước, việc cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp thuê nhà ở xã hội là một giải pháp phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam mô hình này mới bắt đầu được chú ý, do đó chưa có nhiều chủ đầu tư “mặn mà” với phân khúc này.

Cùng với đó, vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng tốc công tác cải tạo nhà chung cư cũ tại khu vực nội đô. Theo các chuyên gia, dù quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc song nếu thành công sẽ giúp gia tăng nguồn cung nhà ở cho người dân tại các khu vực này – những người vốn bị ảnh hưởng bởi việc siết chặt quản lý chung cư.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ 1/8, căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng

    Từ 1/8, căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng

    11:10, 08/07/2024

  • Hà Nội tồn tại hàng nghìn lỗi vi phạm PCCC tại chung cư mini

    Hà Nội tồn tại hàng nghìn lỗi vi phạm PCCC tại chung cư mini

    05:00, 28/06/2024

  • Giải pháp khắc phục phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini

    Giải pháp khắc phục phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini

    05:00, 15/06/2024

  • Kiểm tra, rà soát chung cư mini, nhà trọ: Cần công khai lộ trình khắc phục

    Kiểm tra, rà soát chung cư mini, nhà trọ: Cần công khai lộ trình khắc phục

    05:00, 05/06/2024

VI ANH