Trung Quốc thúc đẩy đầu tư điện mặt trời ở châu Phi
Trung Quốc đang tận dụng lợi thế dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất pin năng lượng mặt trời để thúc đẩy khả năng tiếp cận điện của các quốc gia châu Phi.
>> Trung Quốc đột phá sản xuất pin lithium thể rắn
So với xe điện (EV), tình trạng dư thừa công suất sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc đang ngày một gia tăng. Quốc gia này chiếm giữ khoảng 80% chuỗi giá trị điện mặt trời (PV).
Cuộc cải tổ gần đây nhất trong ngành công nghiệp Trung Quốc bắt đầu vào năm 2013 khi Suntech Power Holdings vỡ nợ trái phiếu, sau đó phá sản. Kể từ đó, nhu cầu pin mặt trời đã bùng nổ. Công suất lắp đặt toàn cầu cho điện mặt trời đã tăng khoảng 10 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Với việc năng lượng mặt trời chỉ chiếm chưa đến 6% lượng điện toàn cầu vào năm ngoái, các chuyên gia nhận định năng lượng mặt trời vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Năng lượng mặt trời dự kiến sẽ tạo ra nhiều điện hơn các nhà máy điện chạy bằng khí đốt vào năm 2030 và nhiều hơn các nhà máy điện chạy bằng than vào năm 2032, thậm chí có thể trở thành nguồn điện lớn nhất của thế giới trong một thập kỷ tới.
Thực tế cho thấy, đối với nhiều nước phương Tây, năng lượng mặt trời chỉ là một lựa chọn khác trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Nhưng đối với nhiều nước ở Nam bán cầu đang thiếu điện, năng lượng mặt trời giúp tăng khả năng tiếp cận điện cho người dân.
Theo ông Winston Mok, một nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, ở châu Phi, năng lượng mặt trời có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp mà không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường. Khả năng mở rộng của năng lượng mặt trời cũng tạo ra cơ hội cho các giải pháp điện phân tán mà không cần đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng lưới điện.
>> Trung Quốc toan tính gì khi tăng cường đầu tư vào châu Phi?
Khoảng 43% dân số châu Phi không có khả năng tiếp cận nguồn điện đáng tin cậy, đây cũng là hạn chế kinh doanh chính được 40% các công ty châu Phi đề cập đến trong một cuộc khảo sát. Không có gì ngạc nhiên khi các lưới điện năng lượng tái tạo mini đã phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Các nhà máy lớn đang áp dụng hệ thống điện "trong hàng rào"; hơn 400 triệu người châu Phi đấu nối điện qua hệ thống điện mặt trời tại nhà.
Vào tháng 4, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Phi đã công bố một kế hoạch cung cấp điện cho ít nhất 300 triệu người dân châu Phi vào năm 2030, chủ yếu thông qua các hệ thống DRE. Nếu thành công, châu Phi có thể trở thành khu vực dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng mô hình phân phối điện mới.
Nắm bắt cơ hội này, Trung Quốc có thể thúc đẩy vai trò của mình trên thị trường năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh mẽ của châu Phi. Nước này có thể đảm nhận vai trò là nhà phát triển và vận hành các dự án năng lượng mặt trời, tận dụng ưu thế của mình trong các dự án điện mặt trời, pin và thanh toán di động.
Ông Winston Mok cho biết, Trung Quốc vẫn có thể mở rộng phát triển tại một thị trường tiềm năng như châu Phi. Lĩnh vực năng lượng mặt trời có thể trở thành một ngành kinh doanh có lợi nhuận và bền vững hơn. Nó thậm chí có thể trở thành nền tảng của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở châu Phi, từ việc cung cấp năng lượng cho các mỏ đến cung cấp năng lượng cho các khu công nghiệp, để tạo ra các hệ sinh thái công nghiệp tích hợp.
Các hoạt động năng lượng mặt trời không chỉ hứa hẹn khả thi hơn về mặt kinh tế mà còn có tác động xã hội. Bằng cách thực hiện một sự thay đổi từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sang đi đầu trong quá trình chuyển đổi xanh của lục địa, Trung Quốc có thể thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa bền vững của châu Phi.
Có thể bạn quan tâm
Các startup châu Phi nỗ lực "vượt khó" trong bối cảnh hỗn loạn
03:37, 18/05/2024
Trung Quốc toan tính gì khi tăng cường đầu tư vào châu Phi?
03:00, 17/02/2024
Công nghệ y tế: Hướng đi mới của các startup châu Phi
01:33, 13/02/2024
Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế châu Phi
03:00, 19/01/2024
Mỹ, EU toan tính gì khi tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi?
03:00, 12/10/2023