Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp TP HCM

D.Oanh 10/07/2024 07:00

Nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dừng ở việc nâng cao chất lượng điều hành, môi trường đầu tư mà phải tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

>>>Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh: “Kiến tạo” chính sách

Đó là chia sẻ của ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức.

Ông Võ Tân Thành cho biết, trong những năm qua, cùng với Trung ương, các địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân. Các địa phương trong cả nước đã cải thiện về thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí không chính thức. Môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, đồng thời thu hút các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Từ đó tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và quốc gia.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với Trung ương, TP HCM đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ và phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương.

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Indiana Hoa Kỳ, thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam cho rằng, tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khỏe" của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại. Đơn cử, TPHCM chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500)…

“Nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TPHCM giảm sút cả về “chất” và “lượng” đến từ tất cả các yếu tố, bao gồm: Chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả; trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ; Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…”, TS Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

ác diễn giả chia sẻ về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cấp tỉnh tại Diễn đàn

Các diễn giả chia sẻ về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cấp tỉnh tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu đã thảo luận, đưa ra những góc nhìn toàn diện cùng những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Theo TS Huỳnh Thế Du, để nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tỉnh thì việc đầu tiên là bản thân doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh và tầm nhìn rõ ràng. Các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện hỗ trợ liên kết cần xác định lại vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin về xu hướng thị trường, tiến bộ công nghệ, sự phát triển của ngành. Các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng thương mại có thể đóng vai trò đầu mối và liên kết với các Hiệp hội ngành hàng tạo thành hệ sinh thái, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp.

Về phía chính quyền, TP HCM cần tạo cơ chế và hỗ trợ để các tổ chức hợp tác, phối hợp hiệu quả. Thêm đó, TPHCM có thể dành nguồn ngân sách để hỗ trợ các tổ chức hợp tác, phối hợp cung cấp những dịch vụ dùng chung.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi đề xuất, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, tạo ra các chính sách thuận lợi và định hướng rõ ràng cho doanh nghiệp, trong đó các Hiệp hội, Hội sẽ đóng vai trò trung gian để kết nối doanh nghiệp với chính quyền giải quyết các vấn đề. 

Các doanh nghiệp TP HCM cần gia tăng tính chủ động và nội lực nội sinh của mình để bắt kịp xu hướng phát triển mới như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số…

Có thể bạn quan tâm

  • PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH: FIATA hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng những kỳ vọng mới

    PHÁT TRIỂN LOGISTICS XANH: FIATA hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng những kỳ vọng mới

    14:50, 09/07/2024

  • Phục hồi “sức khỏe” doanh nghiệp: Củng cố niềm tin kinh doanh

    Phục hồi “sức khỏe” doanh nghiệp: Củng cố niềm tin kinh doanh

    13:00, 09/07/2024

  • M&A bất động sản hấp dẫn doanh nghiệp nội - ngoại

    M&A bất động sản hấp dẫn doanh nghiệp nội - ngoại

    03:00, 09/07/2024

  • Ninh Thuận: Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

    Ninh Thuận: Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

    17:56, 08/07/2024

D.Oanh