Vì sao khó đạt chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay?

MAI AN 11/07/2024 11:20

Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết phân khúc nhà ở xã hội có 8 dự án đã hoàn thành, Bộ này đánh giá năm nay khó hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn được giao.

>>Nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận

Thủ tục pháp lý kéo dài là rào cản của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ảnh: DH

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án đã triển khai với quy mô 418.200 căn, trong đó có 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn.

Còn nhiều rào cản

Theo Đề án đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà xã hội, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn. Riêng năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn. Cơ quan này đánh giá khó hoàn thành chỉ tiêu trên trong năm 2024.

Bên cạnh đó, việc triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng cũng còn rất chậm, mới giải ngân được 1%, tức khoảng 1.234 tỷ đồng.

Trong số này khoảng 1.200 tỷ cho chủ đầu tư tại 12 dự án, tức mới giải ngân hơn 30 tỷ cho người mua nhà. Ngoài ra, mới có một nửa tỉnh thành trên cả nước công bố danh mục dự án có nhu cầu vay, tập trung ở Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh, Bình Định... Nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra là lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.

Thực tế, kể từ khi Đề án triển khai tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội được phê duyệt, nhiều chính sách, ưu đãi đã được đưa ra nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này.

Từ đầu năm 2023 khi thị trường bất động sản rơi giai đoạn khó khăn nhất, loạt "ông lớn" ngành bất động sản đã đề xuất, cam kết thực hiện số lượng lớn nhà ở xã hội nhưng chủ yếu nằm ở kế hoạch và việc tìm hiểu đầu tư. Đến nửa đầu năm 2024, cuộc đua xây nhà xã hội nóng lại và được các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn không khả quan. 

Trong cuộc họp mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Bởi bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính như: Chứng minh thu nhập thấp; xác nhận chưa có sở hữu nhà theo hộ gia đình, khiến cho người mua nhà khó tiếp cận thì ngay cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng đang gặp không ít vướng mắc, thậm chí có những thủ tục phải mất tới mấy năm với khoảng 50 con dấu xác nhận khiến các dự án nhà ở xã hội chậm về đích.

>>Giải pháp giảm giá cho nhà ở xã hội

Từng bước gỡ "nút thắt"

Trong một chia sẻ mới đây, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết về một trường hợp dự án nhà ở xã hội do công ty này đề xuất cách đây 2 năm, thời điểm đó, UBND Thành phố cũng như các sở ngành đẩy nhanh tiến độ pháp lý dự án, doanh nghiệp tiến hành chuẩn bị máy móc để tập kết vật tư. Thế nhưng sau đó dự án được cho là không phù hợp với quy hoạch, theo đó mọi hoạt động thăm dò, thủ tục đều phải tạm dừng để chờ điều chỉnh quy hoạch. Suốt 2 năm trời, trang thiết bị đều bị rỉ sét.

Và cũng tại dự án này, sau 5 năm, sau khi điều chỉnh quy hoạch xong phù hợp hết tất cả các số liệu, doanh nghiệp đã có hơn năm chục con dấu của tất cả sở ngành để giải quyết cho dự án đó.

Để hoàn thành thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, doanh nghiệp có thể phải xin đến 50 con dấu. 

Cũng trong trường hợp tương tự, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường nhìn nhận doanh nghiệp gặp rất nhiều rào cản khi đặt chân vào phân khúc nhà ở này.

Một trong những thách thức rất lớn được ông Cường chỉ ra là thủ tục pháp lý. Thời gian qua, tập đoàn đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà xã hội tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và đang triển khai hơn 1.000 căn nữa, nhưng có những dự án công ty đã có được hai, ba chục con dấu vẫn không triển khai được.

Mới đây Quốc hội đã chính thức đồng ý Luật Nhà ở 2023 có hiệu thực từ 1/8/2024, thay vì 1/1/2025 như trước đó, giới kinh doanh kỳ vọng đây sẽ là công cụ quan trọng để gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp  Nam Cầu Kiền nhận định, Luật Nhà ở 2023 sẽ khắc phục được phần lớn các điểm bất cập về tiêu chuẩn số người ở, thủ tục mua nhà ở xã hội, bên cạnh đó trong khu công nghiệp sẽ có nhà ở lưu trú cho công nhân; cho phép doanh nghiệp được mua hoặc thuê nhà cho công nhân ở... Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nhà ở xã hội, thu hút người lao động của nhiều địa phương.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1699/BXD-QLN về việc hướng dẫn về xác định danh mục, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư (thay thế văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20/4/2023 của Bộ Xây dựng).

Theo đó, điều kiện vay vốn của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ cần được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; được lựa chọn là chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

"Như vậy đã lược bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng. Sau khi được công bố danh mục, chủ đầu tư dự án đảm bảo điều kiện theo pháp luật về tín dụng, cũng như thỏa thuận với các ngân hàng là được vay vốn" - ông Hoàng Hải khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Quyết liệt triển khai xây dựng nhà ở xã hội

    Hải Dương: Quyết liệt triển khai xây dựng nhà ở xã hội

    11:03, 09/07/2024

  • Nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận

    Nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận

    10:00, 07/07/2024

  • Quảng Ninh: Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội

    Quảng Ninh: Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội

    00:20, 06/07/2024

  • Giải pháp giảm giá cho nhà ở xã hội

    Giải pháp giảm giá cho nhà ở xã hội

    05:00, 03/07/2024

MAI AN