Để hiện thực hóa mục tiêu 18.000 căn hộ nhà ở xã hội, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai các chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
>>>Quảng Ninh: Giữ vững đà tăng trưởng 2 con số 9 năm liên tiếp
Thách thức lớn...
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh cần khoảng gần 25.000 căn (NOXH cho các đối tượng thu nhập thấp khoảng 18.000 căn, công nhân KCN và ngành Than khoảng 7.000 căn). Đây đang là thách thức, áp lực rất lớn, buộc tỉnh phải vận động hiệu quả các chính sách thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư; công bố công khai, rộng rãi các chương trình, đề án, kế hoạch, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào tỉnh; chỉ đạo NHNN tỉnh triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh đang có 6 dự án nhà ở xã hội, quy mô trên 3.700 căn hộ, cho người thu nhập thấp, công nhân KCN được đầu tư.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch khoảng 663ha đất dành cho đầu tư nhà ở xã hội, tương đương 20% đất tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; khoảng 55,5ha đất xây dựng nhà ở công nhân KCN; ngành Than quy hoạch khoảng 10ha để xây nhà ở lưu trú cho công nhân. Các quỹ đất được quy hoạch, bố trí tại các vị trí đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo kết nối thuận tiện…
Tuy nhiên, phát triển các dự án NOXH hiện chưa thực sự như mong muốn. Nguyên nhân là do các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án 1 triệu căn NOXH. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng từ NSNN còn hạn hẹp, khó tiếp cận; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, rườm rà; lợi nhuận định mức thấp; thủ tục mua nhà khó triển khai trong thực tiễn.
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội thông qua đã một phần khắc phục các khó khăn, vướng mắc, nhưng dự kiến đến 1/8/2024 mới có hiệu lực thi hành. Do vậy giai đoạn hiện nay nhiều nhà đầu tư vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa quyết tâm đầu tư xây dựng NOXH.
Giải pháp cho mục tiêu đã đặt ra
Theo tỉnh Quảng Ninh: Xác định mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhu cầu nhà ở cho nhân dân, nhất là tạo chỗ ở ổn định cho đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân các KCN, ngành than, những năm qua, bám sát Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, đồng hành với quyết tâm xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ… Quảng Ninh đã đưa mục tiêu phát triển NOXH vào nghị quyết các kỳ đại hội, chương trình hành động của Tỉnh ủy và chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh để đồng bộ thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, xã hội, người dân và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở trong thời kỳ mới; ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua việc công bố công khai, rộng rãi các chương trình, đề án, kế hoạch, quỹ đất để các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, đồng hành cùng tỉnh thực hiện các dự án NOXH.
Tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển NOXHi. Trong đó, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị, thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của đất nước; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển KT-XH.
Để hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay trong bối cảnh tín dụng từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, khó tiếp cận, Quảng Ninh đã chỉ đạo Ngân hàng CSXH triển khai sớm các chương trình cho vay theo Nghị quyết 33/NQ-CP (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng) của Chính phủ.
Rà soát những bất cập, hạn chế trong hỗ trợ đầu tư, phát triển nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân để báo cáo Chính phủ hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, đảm bảo đồng bộ chính sách pháp luật về quy hoạch, nhà ở, đất đai, đầu tư, như: Tăng cường nguồn vốn, tín dụng cho phát triển NOXH. Đẩy mạnh CCHC, đơn giản hóa, rút gọn thủ tục, giảm thời gian thẩm định, xét duyệt các dự án, đối tượng, điều kiện, giá bán nhà... Lựa chọn các giải pháp quy hoạch, thiết kế, sử dụng vật liệu xây dựng, phân kỳ đầu tư hợp lý để giảm giá bán nhà, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người dân.
Tỉnh cũng đang triển khai đầu tư xây dựng 6 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân các KCN với gần 4.000 căn hộ, như: Dự án NOXH Khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận 2 phường Hồng Hải và Cao Thắng (TP Hạ Long); khu nhà ở công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai (TX Quảng Yên)… Lộ trình đến năm 2030, tỉnh đầu tư xây dựng khoảng 25.000 căn nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 276 cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội dự án tại Khu NOXH đồi Ngân hàng, phường Hồng Hải và phường Cao Thắng (TP Hạ Long). Danh sách các cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng mua nhà đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây Dựng theo quy định của Bộ Xây dựng nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng được mua NOXH đảm bảo minh bạch, thuận lợi, an tâm. Chủ đầu tư chỉ thực hiện ký hợp đồng sau khi xác định đúng đối tượng, điều kiện, nguyên tắc tiêu chí xét duyệt đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.
Trên cơ sở danh sách các cá nhân, hộ gia đình dự kiến được giải quyết mua, thuê nhà ở xã hội do chủ đầu tư cung cấp, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh, UBND các địa phương xác minh thông tin của các hộ dân làm căn cứ phê duyệt.
Có thể bạn quan tâm