Ngăn trục lợi quỹ bảo trì chung cư

NGUYỄN DUY THÀNH (*) 14/07/2024 06:00

Đã có những người coi việc vào ban quản trị là một nghề, và dùng chính sự tín nhiệm của cư dân để trục lợi từ quỹ bảo trì, quỹ phí dịch vụ.

>>> Thêm phương án cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư

 Quy định về quản lý tài chính của ban quản trị chung cư vẫn chưa chặt chẽ,p/nhiều người tìm cách “chui” vào Ban quản trị để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân.

Quy định về quản lý tài chính của ban quản trị chung cư vẫn chưa chặt chẽ, nhiều người tìm cách “chui” vào Ban quản trị để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân.

Những người làm "nghề" này thường rất am hiểu pháp luật, nắm được tâm lý của người dân về việc cần những người bảo vệ quyền lợi. Họ dễ dàng được bầu vào ban quản trị, lấy được sự tín nhiệm sau đó trục lợi thông qua các việc như việc cấu kết để kê khống giá bảo trì, các dịch vụ, không công khai minh bạch thu chi…

Thiếu hành lang pháp lý

Chung quy lại, kẽ hở để các đối tượng có thể tham ô, rút ruột quỹ bảo trì nằm ở mô hình hoạt động của ban quản trị nhà chung cư.

Hiện tại, có ba mô hình ban quản trị đang hoạt động:

Một là, ban quản trị là tổ chức dân sự, đại diện cho cư dân ký hợp đồng với công ty quản lý, ban quản trị có vai trò giám sát hoạt động của các công ty quản lý.

Đây là mô hình ban quản trị hoạt động đúng nhất với các quy định của luật, thường diễn ra ở các dự án chung cư có ít quỹ căn hộ, quỹ vận hành, quỹ bảo trì nhỏ, nguy cơ âm quỹ cao.

Hai là, ban quản trị tự thu tự chi, tự điều hành, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm từng loại hình dịch vụ, từ vệ sinh, bảo vệ, lễ tân... đến việc bảo trì, bảo dưỡng chung cư. Hiện đa phần các ban quản trị chung cư đều hoạt động theo mô hình thứ hai này.

Ba là, mô hình ban quản trị hỗn hợp, một nửa khoán cho công ty quản lý, một nửa tự, thu tự chi. Thường với những dự án quy mô lớn, phí dịch vụ cao, số tiền thu lớn, thặng dư nhiều, ban quản trị lại muốn điều hành trực tiếp việc thu chi. Các vấn đề phát sinh tiêu cực, rủi ro thâm hụt quỹ có nguy cơ bùng nổ.

>>Hà Nội: Vẫn nóng chuyện quỹ bảo trì chung cư

Bởi khi ban quản trị tự thu tự chi, họ cần một bộ máy giám sát theo đúng quy định của luật doanh nghiệp hoặc mô hình của cơ quan công quyền. Nhưng hiện nay, hành lang pháp lý cho ban quản trị hiện chưa rõ ràng.

Ban quản trị đang hoạt động như mô hình công ty cổ phần, chịu sự điều hành của luật doanh nghiệp, các quy định về thuế, quy chế mua sắm hàng hoá, dịch vụ, mở tài khoản, phát hành hoá đơn đầu vào, thuế VAT, thuế thu nhập bất thường.

Nhưng ngược lại, tổ chức này lại thiếu các định chế quy định quy chế cụ thể việc mua sắm, quản trị tài chính nội bộ.

Bịt kẽ hở khi thi hành luật mới

Hiện, Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo thông tư về quản lý nhà chung cư, tuy nhiên quy định về quản lý tài chính của ban quản trị vẫn bỏ ngỏ. Để bịt các lỗ hổng trên, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các quy định cụ thể về hoạt động quản lý, thu chi tài chính của ban quản trị.

Theo đó, Bộ Tài chính, cơ quan thuế, kiểm toán... cần cùng vào cuộc để ban hành một thông tư riêng, quy định về việc quản lý tài chính, kế toán, hạch toán quỹ bảo trì tại các chung cư và các cơ chế giám sát tài chính của quỹ.

Ngoài ra, cơ chế xử phạt các ban quản trị sai phạm là chưa đủ sức răn đe, nhiều ban quản trị vi phạm pháp luật nhưng rất ít khi bị xử lý về mặt hình sự hay khởi tố.

Nghị định 16, ban hành ngày 28/01/2022 có quy định rất rõ việc xử phạt ban quản trị lạm quyền, sai phạm. Thế nhưng, đa phần tại nhiều chung cư, các sai phạm của ban quản trị chỉ được biết đến khi người dân tố giác. Việc quản lý tại các chung cư không được các cơ quan chức năng quan tâm thấu đáo để kịp thời để ngăn chặn hành vi biển thủ quỹ bảo trì.

Thậm chí, khi người dân liên hệ với chính quyền địa phương về các sai phạm của ban quản trị, các cơ quan quản lý cũng coi đó là tranh chấp dân sự và trả về phường, đưa vụ việc về nội bộ chung cư để xử lý.

Do đó, để giải quyết tận gốc thực trạng ban quản trị sai phạm, tham ô, chiếm dụng, chi sai mục đích phí bảo trì, pháp luật cần nghiêm minh, xử lý mang tính răn đe hơn nữa đối với các sai phạm.

Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cần vào cuộc, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm nóng sai phạm chung cư, ngăn chặn những hệ quả xấu, đảm bảo an ninh, trật tự, an sinh xã hội cho người dân.

Bên cạnh đó, các “lỗ hổng” trong quản lý phí bảo trì cũng cần được giải quyết kịp thời. Đơn cử như việc quy định tất cả số tiền quỹ bảo trì đều phải được thực hiện bằng giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng, phải báo cáo, giải trình chi tiết mọi chi tiêu, sử dụng quỹ bảo trì và có ý kiến đóng góp của cư dân.

Ngoài ra, pháp luật cần có quy định về việc một người dân chỉ được làm thành viên ban quản trị tại một dự án, trong một thời điểm nhất định, nhằm tránh những người coi đây là một nghề để trục lợi.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu - Global Home 

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm phương án cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư

    Thêm phương án cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì chung cư

    13:42, 29/02/2024

  • Hà Nội: Vẫn nóng chuyện quỹ bảo trì chung cư

    Hà Nội: Vẫn nóng chuyện quỹ bảo trì chung cư

    03:00, 05/08/2023

  • 11 tỉnh trong danh sách thanh tra quỹ bảo trì, nhà ở xã hội

    11 tỉnh trong danh sách thanh tra quỹ bảo trì, nhà ở xã hội

    03:00, 24/11/2021

  • Cưỡng chế chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì

    Cưỡng chế chủ đầu tư “chây ì” quỹ bảo trì

    16:00, 08/10/2021

NGUYỄN DUY THÀNH (*)