Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Có cần thiết giữ Quỹ bình ổn giá?
Với hàng loạt các bất cập, tồn tại trong thực tế, Quỹ bình ổn giá nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, liệu có cần thiết giữ Quỹ này tại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu?
>> Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
Dự thảo lần 3 Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đáng nói, tại Dự thảo lần này, Bộ Công Thương không đưa ra các quy định quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu như tại các bản Dự thảo trước đây.
Theo đó, tại Dự thảo, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dự kiến không để tại doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như hiện nay, mà sẽ do Nhà nước nắm giữ. Việc sử dụng Quỹ theo quy định Luật Giá 2023 (có hiệu lực từ 01/7). Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn doanh nghiệp chuyển, nộp số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách, theo Dự thảo Nghị định mới.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ bình ổn đối với mặt hàng đã thành lập Quỹ. Các Bộ, ngành xây dựng phương án bình ổn giá gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ cho phép về mặt chủ trương, sau khi có chủ trương các bộ, ngành tổ chức thực hiện. Việc sử dụng Quỹ bình ổn thực hiện theo Luật giá 2023. Biện pháp bình ổn là có thời hạn.
Như vậy, trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân; có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.
>> Sửa nghị định kinh doanh xăng dầu: Phải đổi mới cơ chế quản lý
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, điểm mới là Quỹ bình ổn sẽ không sử dụng thường xuyên, khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện.
Nhìn nhận về đề xuất này, không ít ý kiến cho hay, việc giữ lại và duy trì Quỹ bình ổn giá như vậy là không cần thiết, nhất là khi thực tế cho thấy, hoạt động của Quỹ này gần như không tạo ra được các tác động như kỳ vọng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu như Dự thảo không khác gì là bỏ Quỹ bình ổn, vai trò của quỹ cũng mờ nhạt, không còn tác dụng bình ổn thị trường. Do vậy không cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Vị chuyên gia này cho rằng, trong quá trình thực hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường. Những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ bị âm. Mặt khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cho nên có nhiều thời điểm, quỹ đã bị doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.
Quỹ còn thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Điều đó là không thể chấp nhận. Một ví dụ cụ thể về việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm nhiệt giá xăng dầu, đó là trong quý I/2024, có thời gian giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng, từ mức dưới 22.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn rất lớn, gần 7.000 tỷ đồng, nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.
“Từ những khiếm khuyết nêu ở trên về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu - cho ta thấy đã đến lúc phải bỏ quỹ này. Khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của dân) thì phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Do vậy, Quỹ bình ổn bằng hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đa số các chuyên gia, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đều đề nghị bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Nghị định.
Theo các chuyên gia, trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân, thay vì dựa vào nguồn quỹ bình ổn để can thiệp thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đánh giá tình hình. Tùy mức độ biến động giá thị trường mặt hàng xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương ý kiến với Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá.
Có thể bạn quan tâm
Xăng dầu tăng giá liên tiếp 4 lần: Vì sao Quỹ bình ổn vẫn “bất động”?
03:00, 08/07/2024
Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu "con dao hai lưỡi"
11:33, 09/05/2024
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu - Cần bãi bỏ Quỹ bình ổn giá
03:30, 08/05/2024
Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì đâu chưa bỏ?
03:50, 08/04/2024
Vì sao Công ty Xuyên Việt Oil chưa nộp lại Quỹ bình ổn xăng dầu?
11:59, 21/02/2024