Nền kinh tế Thái Lan "hứng đòn" từ Trung Quốc
Bài học của Thái Lan là nhãn tiền khi quốc gia này không thể ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, làm đảo lộn lĩnh vực sản xuất vốn đóng góp gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội.
>>Lo ngại sức ép già hóa dân số tại Đông Nam Á
Nhà sản xuất ô tô nổi tiếng Nhật Bản, Suzuki Motor đã tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất 60.000 xe/năm tại Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Năm ngoái, xứ sở “chùa vàng” có tới 2.000 nhà máy bị đóng cửa.
Nền kinh tế quy mô 500 tỷ USD đang phải chịu gánh nặng nhập khẩu hàng giá rẻ từ Trung Quốc và khả năng cạnh tranh công nghiệp sụt giảm do giá năng lượng tăng và lực lượng lao động già đi. Điều này làm đảo lộn lĩnh vực sản xuất vốn đóng góp gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thái Lan đã suy thoái và công suất đã giảm 60%. Những khó khăn của lĩnh vực sản xuất đã khiến Thủ tướng Srettha Thavisin, người lên nắm quyền vào năm ngoái, gặp khó khăn trong việc thực hiện lời hứa với cử tri đưa mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm lên 5% trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, tăng từ mức 1,73% trong thập kỷ qua.
Supavud Saicheua, Chủ tịch Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Thái Lan cho rằng: “Người Trung Quốc hiện đang xuất khẩu hàng hóa ồ ạt vào Thái Lan. Hàng nhập khẩu giá rẻ đó thực sự gây bất ổn cho quốc gia này”.
Trước sức mạnh của hàng hóa Trung Quốc, nền kinh tế dựa vào sản xuất như Thái Lan đã bị phá vỡ. Tỷ suất lợi nhuận giảm xuống, mất dần động lực mở rộng sản xuất, cuối cùng đã “giương cờ trắng” cho hàng hóa nhập ngoại.
Số nhà máy đóng cửa ở Thái Lan từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 đã tăng 40% so với 12 tháng trước đó. Kết quả là, tình trạng mất việc làm đã tăng 80% trong cùng thời gian, với hơn 51.500 công nhân thất nghiệp.
>>Đông Nam Á sẽ giảm lợi thế cạnh tranh khi liên tục tăng lương?
Nava Chantanasurakon, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho biết tập đoàn của ông đã yêu cầu Chính phủ xem xét các biện pháp ngăn chặn trốn thuế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các rào cản cao đối với một số hàng hóa Trung Quốc ở các khu vực khác.
Trong khi đó, các nhà sản xuất nhỏ hơn đang vật lộn với sự gia tăng chi phí sản xuất do giá năng lượng tăng cao và mức lương tương đối cao. Để đối phó, từ tháng 7 Thái Lan sẽ thu thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht Thái (41 USD), chủ yếu từ Trung Quốc.
Thái Lan từng là "anh hào" kinh tế của khu vực, đạt đến đỉnh cao trong những năm đầu thập niên 2000. Sau hàng loạt biến cố chính trị khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chững lại. Đại dịch COVID-19 và sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động lớn đến nền kinh tế này.
Bài học của Thái Lan là nhãn tiền - khi không thể ngăn chặn làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Thái Lan, chiếm tới 72% vào năm ngoái. Thái Lan đứng ở vị trí cuối cùng trong danh sách dòng vốn FDI đổ vào ASEAN năm 2023, với 2,96 tỷ USD.
Thái Lan đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện. Nước này đang chú trọng phát triển Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), nơi thu hút phần lớn số hồ sơ đăng ký đầu tư trong năm 2023 tính theo giá trị.
Có thể bạn quan tâm