Vì sao giới nhà giàu Trung Quốc “xấu hổ" về sự xa xỉ?
Giới nhà giàu Trung Quốc thận trọng hơn trong việc phô trương sự giàu có của mình khi nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn, khiến thị trường hàng xa xỉ của nước này sa sút.
>>Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đang là nơi sinh sống của 98.000 người thuộc tầng lớp siêu giàu sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên, đứng sau Mỹ. Và đây từng là thị trường xa xỉ phẩm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Nhưng giờ đây, người giàu ở nền kinh tế số 2 thế giới đang cảm thấy “xấu hổ" về sự xa xỉ. Họ thận trọng hơn trong việc phô trương sự giàu có của mình khi nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn, khiến thị trường hàng xa xỉ của nước này sa sút.
Theo khảo sát của Bain & Company, môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức, tăng trưởng GDP chậm chạp, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và những rắc rối trên thị trường bất động sản; niềm tin của người tiêu dùng yếu là những yếu tố làm thay đổi tâm lý tiêu dùng.
Claudia D'Arpizio, Giám đốc toàn cầu về thời trang và xa xỉ tại Bain & Company cho rằng: “Những khách hàng giàu có sợ bị coi là quá phô trương hoặc quá sặc sỡ. Chúng tôi gọi đó là sự xấu hổ xa xỉ tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ vào những năm 2008-2009”.
Nhưng phần lớn sự thay đổi này bị tác động bởi kế hoạch chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc - tuân theo tôn chỉ “đại đồng”, trước mắt là tái phân phối của cải xã hội một cách công bằng hơn, cơ hội làm giàu được chia đều hơn, thúc đẩy bình đẳng xã hội.
Khái niệm “thịnh vượng chung” được ông Mao Trạch Đông đề cập lần đầu tiên vào những năm 1950. Đến lượt người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng nước này sẽ “để một số người làm giàu trước”.
Thịnh vượng chung đã được chính phủ Trung Quốc giới thiệu lại vào năm 2021 nhằm tạo ra sự giàu có vừa phải cho tất cả mọi người. Trong thời đại của ông Tập Cận Bình, người giàu phải lùi lại và chia sẻ.
Ông Tập Cận Bình đã tiếp cận quan điểm này quyết liệt hơn, thịnh vượng chung trở thành khẩu hiệu xuất hiện khắp nơi trên phương tiện truyền thông, mọi con đường, trong trường học. Trong nghị quyết lịch sử lần thứ 3 được thông qua tại Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2021, cụm từ này được nhắc đến 8 lần.
>>Dân số suy giảm, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
Vào tháng 5, Trung Quốc bắt đầu trấn áp hành vi “phô trương sự giàu có” và cấm một số người có ảnh hưởng trên không gian mạng trực tuyến - thường được biết đến với lối sống xa hoa - khỏi các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc ngăn chặn các tập đoàn tư nhân lợi dụng sức mạnh vốn có để tối ưu hóa lợi nhuận. Những năm gần đây, giới nhà giàu, người nổi tiếng trong nước liên tục gặp phải rắc rối, khiến lượng tài sản rất lớn từ đại lục đã chuyển ra nước ngoài.
Về vĩ mô, ông Tập chủ trương kiểm soát chặt chẽ quyền lực chính trị, đưa chính trị lên trên kinh tế; chính trị phải điều khiển kinh tế và quyết định kinh tế. Trung Quốc tìm cách chia lại khối tài sản khổng lồ mà khu vực tư nhân đang nắm giữ bằng cách áp dụng thuế thừa kế hoặc thuế trên thặng dư vốn đối với cá nhân.
Kế hoạch tái phân phối để lại nhiều “tác dụng phụ”, đã triệt tiêu tính năng động vốn có kể từ khi Trung Quốc mở cửa đất nước.
Có thể bạn quan tâm
Nền kinh tế Thái Lan "hứng đòn" từ Trung Quốc
04:00, 16/07/2024
Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc
04:00, 15/07/2024
Lý do xuất khẩu của Trung Quốc tăng đột biến
03:30, 13/07/2024
Trung Quốc đột phá sản xuất pin lithium thể rắn
03:30, 09/07/2024
Trung Quốc thúc đẩy đầu tư điện mặt trời ở châu Phi
03:00, 10/07/2024