HBC “về đích” sớm nhờ bán tài sản

ĐÌNH ĐẠI 18/07/2024 05:05

Nhờ khoản hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận khác tăng đột biến đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản, HBC đã “về đích” sớm lợi nhuận năm 2024 sau chặng đường nửa đầu năm.

>>>Tình hình tài chính "còn khá rủi ro" của HBC

HBC cán đích lợi nhuận sớm nhờ hoàn nhập dự phòng và hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản - Ảnh minh họa.

HBC cán đích lợi nhuận sớm sau nửa đầu năm nhờ hoàn nhập dự phòng và hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản - Ảnh minh họa.

Báo cáo tài chính quý II/2024 vừa công bố của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) ghi nhận doanh thu thuần giảm 5% so với cùng kỳ, đạt gần 2.160 tỷ đồng. Giá vốn tăng 10% so với cùng kỳ, lên hơn 2.060 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp ngành xây dựng này giảm mạnh 74% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 100 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kỳ này của HBC là doanh thu từ hoạt động tài chính của tăng 121% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 46 tỷ đồng, nhờ phát sinh lãi bán các khoản đầu tư và lãi từ tiền gửi.

Bên cạnh đó, trong quý II, HBC được hoàn nhập hơn 220 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, nhờ hoàn nhập gần 293 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi. Trong quý đầu năm, HBC cũng đã hoàn nhập gần 89 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý khác trong Báo cáo tài chính quý II/2024 của HBC là khoản lợi nhuận khác tăng đột biến lên gần 515 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 0,8 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản lợi nhuận đến từ hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.

Tất cả những yếu tố tích cực trên đã giúp lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của “ông lớn” ngành xây dựng này ghi nhận tăng trưởng đột biến với hơn 684 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 268 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của HBC đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 741 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ hơn 713 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế đạt 434 tỷ đồng. Với kết quả đột biến trên, doanh nghiệp đã “về đích” sớm lợi nhuận cả năm 2024 sau nửa năm.

Tổng nợ phải trả của HBC tính đến cuối quý II/2024 cũng giảm hơn 7,2% so với hồi đầu năm, xuống còn hơn 14.064 tỷ đồng, chủ yếu là giảm khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm hơn 15,6% và khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm gần 10% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, cổ phiếu HBC chốt phiên giao dịch ngày 17/7

Trên thị trường, cổ phiếu HBC chốt phiên giao dịch ngày 17/7 đạt thị giá 7.600 đồng/cổ phiếu, giảm gần 14,6% so với hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng đột biến, nhưng HBC vẫn còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế lớn trong 2 năm 2022 và 2023, khiến cổ đông doanh nghiệp này vẫn chưa thể hết lo. Theo Chứng khoán VCBS, khoản lỗ lũy kế trong năm 2022 và 2023 khiến vốn chủ sở hữu của HBC thâm hụt nghiêm trọng.

Cụ thể, trong quý đầu năm, vốn chủ sở hữu đạt 149 tỷ đồng, giảm  93% so với cùng kỳ. Mặc dù nợ vay đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn neo tại mức tương đối cao khiến cấu trúc vốn của HBC hiện tại có phần tương đối mong manh. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại quý I đạt 30,1 lần.

VCBS cho rằng, với cơ cấu tài chính tương đối mong manh với khoản lỗ lũy kế sau 2 năm, việc tái cơ cấu trong thời điểm hiện tại với HBC là cấp thiết. Những chiến lược HBC áp dụng bao gồm: bán nợ, hoán đổi nợ, phát hành riêng lẻ và chuyển nhượng thiết bị xây dựng.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, trong trường hợp những phương án cơ cấu trên thành công, lãi ghi nhận sẽ phần nào bù đắp khoản lỗ lũy kế trong vốn chủ sở hữu, tạo bộ đệm nguồn vốn dày hơn cho doanh nghiệp, trở thành động lực phục hồi trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời, không mang tính bền vững. Trong bối cảnh ngành xây dựng có tính cạnh tranh cao, các chủ đầu tư thường ưu tiên những doanh nghiệp xây dựng có cơ cấu tài chính vững, do đó HBC cần cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi, khôi phục vị thế doanh nghiệp để có thể kết nối với nhiều chủ đầu tư lớn, mở rộng quy mô dự án”, VCBS đánh giá.

Đồng thời, Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, HBC đã thực hiện mở rộng mảng bất động sản bằng cách sử dụng nguồn vốn từ việc chào bán cổ phiếu cho đối tác để mua các dự án bất động sản.

HBC đã thực hiện thành công phương án này với dự án 127 An Dương Vương. Ước tính thương vụ này đem về 564 tỷ đồng, dự kiến ghi nhận trong quý II/2025. Với dự án Resort Hải Lưu, HBC đang trong quá trình đàm phán, trong trường hợp thành công, HBC sẽ ghi nhận lãi dự kiến 800 tỷ đồng vào quý IV/2025.

“Việc M&A các dự án có pháp lý sạch, sẵn sàng bàn giao giúp công ty đẩy nhanh tiến độ ghi nhận dòng tiền. Đây là chiến lược phù hợp trong giai đoạn dòng tiền lớn của HBC tắc nghẽn tại khoản phải thu. Tuy nhiên, điểm hạn chế của chiến lược này nằm ở rủi ro pha loãng cổ phần do mua lại dự án bằng nguồn vốn từ phát hành cổ phiếu”, VCBS đánh giá thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Tình hình tài chính

    Tình hình tài chính "còn khá rủi ro" của HBC

    05:02, 18/06/2024

  • Chủ tịch HBC: Không có rủi ro làm ảnh hưởng tới Hòa Bình

    Chủ tịch HBC: Không có rủi ro làm ảnh hưởng tới Hòa Bình

    05:02, 19/04/2024

  • HBC nói về chênh lệch lỗ hơn 333 tỷ đồng sau kiểm toán

    HBC nói về chênh lệch lỗ hơn 333 tỷ đồng sau kiểm toán

    03:50, 02/04/2024

  • HBC xoay xở thoát lỗ

    HBC xoay xở thoát lỗ

    16:59, 13/03/2024

  • Vì sao HBC bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

    Vì sao HBC bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

    05:03, 04/07/2023

ĐÌNH ĐẠI