Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM: Khó chồng khó
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến kết quả thực hiện chưa đúng mục tiêu đề ra.
>>Khó đạt chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024
Theo Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM đã đặt chỉ tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội.
Nhiều vướng mắc trong thủ tục
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng khoảng 26.200 - 35.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng khoảng 43.300 - 58.000 căn. Tuy nhiên, tính đến nay, thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, lý do là bởi việc phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn vướng mắc, các bước thủ tục đầu tư dự án còn phức tạp; các quy trình thủ tục như nhà ở thương mại, thậm chí còn nhiều bước hơn.
>>Đề xuất gói vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8%/năm
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có hướng dẫn cách tính khung giá thuê nhà ở xã hội do cá nhân tự đầu tư xây dựng, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Do đó, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy định khung giá cho thuê nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng sau khi nghị định nêu trên được ban hành.
Về chất lượng nhà ở xã hội, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, đối với tất cả các công trình nhà ở được xây dựng cho dù nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư hay nhà ở xã hội thì các vấn đề về quản lý chất lượng công trình đều được tuân thủ theo quy định rất rõ, cụ thể tại Luật xây dựng.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, không có chuyện phân biệt nhà ở thương mại thì chất lượng sẽ tốt hơn nhà ở xã hội hoặc nhà tái định cư. Tuy nhiên, giá thành của các loại nhà ở có khác nhau, do nhà ở xã hội là nhà dành cho đối tượng ưu tiên, đối tượng được bố trí mua nhà ở xã hội thì giá thành rẻ hơn so với nhà ở thương mại. Đồng thời, nhà ở xã hội cũng được miễn tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư nhà ở xã hội có được ưu đãi về thuế, cơ chế chính sách.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong nửa đầu năm 2024, TP.HCM đã xây dựng hoàn thành 2 dự án nhà ở xã hội bao gồm khu nhà ở xã hội Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh) với 242 căn hộ và dự án Nhà lưu trú công nhân phường Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) với 368 căn. Các dự án này có tổng diện tích sàn là 50.831 m2.
Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2021 đến tháng 6/2024, TP.HCM đã hoàn thành 4 dự án, gồm 3 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án lưu trú công nhân có quy mô 1.233 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng 112.385 m2. Ngoài ra, thành phố cũng có 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công, trong đó 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 4.386 căn hộ tại các khu vực như huyện Bình Chánh, quận 6, quận Tân Bình, quận 10 và TP.Thủ Đức.
Khó chồng khó
Bên cạnh những vướng mắc trên, TP.HCM còn gặp khó khăn lớn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên…Theo đó, thành phố mới chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ, để hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, từ nay đến năm 2025, thành phố cần 37.700 tỷ đồng nhưng nguồn ngân sách chỉ có khả năng bố trí khoảng 3.770 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng vốn đầu tư tăng lên 86.400 tỷ đồng nhưng khả năng ngân sách thành phố cũng chỉ bố trí được 8.600 tỷ đồng.
Để tháo gỡ nút thắt này, TP.HCM đã đề xuất Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Chính phủ theo hướng đơn giản thủ tục, điều kiện vay. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh suất vốn đầu tư xây dựng chung cư nhà ở xã hội bằng chung cư nhà ở thương mại.
Ngoài ra, nhằm thu hút doanh nghiệp địa ốc tham gia xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cũng đề xuất cho phép dự án nhà ở xã hội tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi về việc được điều chỉnh tăng hệ số giúp tăng được nguồn cung nhà ở xã hội trong dự án.
Theo ông Châu, chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư loại nhà ở này đã áp dụng trong 10 năm qua, song dự thảo Nghị định về phát triển, quản lý nhà ở xã hội mới nhất, Bộ Xây dựng bỏ quy định này.
“Nếu bỏ chính sách trên, doanh nghiệp có sẵn quỹ đất sẽ ưu tiên xây nhà ở thương mại bởi dễ làm và hiệu quả hơn, thay vì chọn nhà xã hội vốn bị ràng buộc với rất nhiều quy định”, ông Châu nói.
Có thể bạn quan tâm