“Bắt sóng” cổ phiếu ngành ô tô
Dù ngành ô tô Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng trong thời gian tới.
>>>Doanh nghiệp ô tô ngoại "loay hoay" tại Trung Quốc
Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng sẽ có triển vọng tích cực. Do đó, các nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ cổ phiếu để đưa vào danh mục đầu tư.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong tháng 5/2024, Bộ Tài chính đề xuất một số phương án hỗ trợ ngành ô tô trong nước (gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước). Các biện pháp này ghi nhận kết quả khá hiệu quả vào năm 2020 (doanh số trung bình tháng tăng 50% sau khi chính sách được áp dụng và năm 2022 doanh số tăng 20%), nhưng chưa thành công như mong đợi do người tiêu dùng cả nước thắt chặt chi tiêu.
Việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đã được phê duyệt đến hết ngày 20/11/2024; còn đề xuất giảm phí trước bạ được kỳ vọng sẽ sớm được phê duyệt.
Mặc dù Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách kích cầu, đặc biệt là đề xuất của Bộ Tài chính về giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng doanh số bán ô tô toàn thị trường trong những tháng đầu năm 2024 sụt giảm rất mạnh. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong những tháng đầu năm 2024 liên tiếp sụt giảm và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 108.309 xe, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe lắp ráp giảm 14% và xe nhập khẩu tăng 8%.
Trước tính hình nói trên, nhiều doanh nghiệp đã giảm giá bán, đồng thời giảm phí trước bạ. Cụ thể, Hyundai Thành công đã điều chỉnh giá bán cho loạt sản phẩm của mình như Hyundai Venue, Hyundai Elantra, Hyundai Custin, Hyundai Santa Fe, từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Honda Việt Nam cũng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Honda CR-V và City, tương ứng mức giảm từ gần 28 triệu đến 78 triệu đồng, đặc biệt giảm tiền mặt đến 220 triệu đồng cho khách Honda Accord nhập khẩu…
>>>Bán ô tô kém chất lượng, Honda Việt Nam phải hoàn trả tiền cho khách hàng
Triển vọng ngành ô tô
Bên cạnh thị trường ô tô xăng, thị trường ô tô điện tuy nhỏ nhưng cho thấy tiềm năng tăng trưởng. Xe điện đã trở nên khá phổ biến hơn ở Việt Nam (ước tính chiếm 6% doanh số tiêu thụ xe du lịch trong 2024), nhờ những nỗ lực của Vinfast – doanh nghiệp sản xuất xe điện hàng đầu của Việt Nam.
Theo BMI Research, sản lượng tiêu thụ xe điện trong ngành ô tô sẽ ghi nhận mức tăng trưởng kép tới 26% trong giai đoạn 2023-2032, tương đương với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt 65 nghìn xe vào năm 2032.
Mặc dù đánh giá tích cực với mảng xe điện, nhưng nhiều chuyên gia vẫn lưu ý những điểm yếu của xe điện so với xe xăng trong mắt người tiêu dùng Việt Nam (giá cả còn cao, phạm vi hoạt động trong 1 lần sạc, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, thiếu trung tâm dịch vụ sửa chữa…).
Theo đó, những doanh nghiệp tham gia lắp ráp (TMT) hoặc phân phối xe điện (HAX) có thể sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi trong tương lai. Đối với những doanh nghiệp ghi nhận lãi rất ít hoặc lỗ trong năm 2023 như HAX, SVC, TMT, kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi phục hồi, P/E của các doanh nghiệp ô tô niêm yết vẫn cao hơn mức P/E trung bình 5 năm.
Nhóm cổ phiếu ngành ô tô cần có thêm các chất xúc tác, như nhu cầu tiêu dùng phục hồi hoặc tăng trưởng thị phần rất mạnh mẽ hay các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ để khiến các cổ phiếu trong ngành trở nên hấp dẫn hơn.
Xem xét cổ phiếu nào?
Trong số các doanh nghiệp ngành ô tô đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu sau đây:
Thứ nhất là cổ phiếu HAX của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh. Triển vọng doanh số của HAX có thể sẽ tăng mạnh hơn vào năm 2024, chi phí lãi vay thấp hơn do hàng tồn kho hiện tại giảm và các công ty con bắt đầu có lãi. Dự báo lợi nhuận năm 2024 của HAX sẽ phục hồi, đạt 96 tỷ đồng (tăng 221%).
Cổ phiếu HAX hiện đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 và 2024 lần lượt là 18x và 13x, vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm là 8x. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư khi cổ phiếu HAX ở vùng 15.000 đồng/cp.
Thứ hai là cổ phiếu TMT của Công ty Cổ phần Ô tô TMT. Mới đây, doanh nghiệp này gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Năm 2024, TMT đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư cổ phiếu TMT ở vùng 10.000đ/cp.
Thứ ba là cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. Ước tính doanh thu hợp nhất năm 2024 của VEA ở mức 3,8 nghìn tỷ đồng (tăng 1%), nhưng hạ ước tính lợi nhuận sau thuế hợp nhất xuống 6,51 nghìn tỷ đồng do điều chỉnh giảm kỳ vọng mức tiêu thụ xe máy.
Hiện nay, VEA đã có tiến triển trong việc giải quyết các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu để được niêm yết trên sàn HOSE. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đối với cổ phiếu VEA khi cổ phiếu này ở mức 40.000đ/cp.
Có thể bạn quan tâm
Đón cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán
03:00, 17/07/2024
Bộ Tài chính nói gì triển vọng của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
04:02, 16/07/2024
Chọn chứng khoán, gửi vàng hay an toàn với kênh tiết kiệm online?
06:05, 18/07/2024
Chứng khoán tháng 7: Dự báo VN-Index dao động dưới 1.300 điểm
04:01, 12/07/2024