"Mạnh dạn" trong trích quỹ đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước
Góp ý vào Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
>>Đột phá tư duy trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, thống nhất bổ sung Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo Luật) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Nâng tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển
Theo đó, Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật này trên cơ sở bám sát nội dung 06 nhóm chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua. Tiến độ dự kiến của Dự thảo Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Dự thảo Luật gồm 9 Chương và 92 Điều. Nổi bật là vấn đề về nâng tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế.
Theo đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp là quỹ để tại doanh nghiệp, không phải của doanh nghiệp. Quỹ này để tại doanh nghiệp nhằm mục đích bù lỗ; xử lý vấn đề tài chính các dự án do yếu tố khách quan; chi lương cho người được đại diện cơ quan chủ sở hữu cử xuống; chi kiểm toán –cơ quan đại diện chủ sở hữu chi thuế thực hiện báo cáo kiểm toán, không phải kiểm toán của doanh nghiệp; bổ sung vốn vào doanh nghiệp; điều chuyển giữa các doanh nghiệp trong phạm vi của cơ quan đại diện chủ sở hữu để tập trung được nguồn lực, làm cho tốt hơn các dự án.
Vì vậy, tại Dự thảo Luật, Bộ Tài chính đang đề xuất 3 phương án về tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cụ thể, tối đa 50%, tối đa 80% và 100% lợi nhuận sau thuế. So với luật hiện hành, 3 phương án đề xuất này đều cao hơn so với mức 30% như tại Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và tại tờ trình trước đó của Bộ Tài chính.
Trước nội dung quy định này, nhiều đại diện các doanh nghiệp nhà nước nhận định rằng, việc tăng tỷ lệ trích lập quỹ này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất.
>>Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Đề xuất trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế
Trên cơ sở nghiên cứu, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện theo phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, góp ý vào Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên Hội đồng thành viên Petrovietnam đồng thuận với phương án của Bộ Tài chính đề xuất trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế vào Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp.
Theo ông Mậu, đây là nguồn vốn để lại doanh nghiệp, doanh nghiệp phải bảo toàn, không nên chi cho các khoản làm giảm nguồn vốn này như là chi lương. Đặc biệt, không nên điều chuyển, vì đây là nguồn vốn để phát triển rất quan trọng và dành cho những tình huống rủi ro. Kinh nghiệm cho thấy những doanh nghiệp đứng vững trong thời điểm khủng hoảng vừa qua là do tích lũy từ quỹ này.
“Ngoài ra, tôi đề nghị quy định như cũ đối với quỹ này, coi đây là nguồn vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp và là vốn, tài sản pháp nhân doanh nghiệp. Không quy định điều chuyển, thu hồi nguồn vốn này về Ngân sách”, Thành viên Hội đồng thành viên Petrovietnam cho hay.
Đồng quan điểm, ông Trương Hồng Sơn, Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính, phương án trích tối đa 80% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ đầu tư phát triển.
“Trong Dự thảo mới, Bộ Tài chính đã đưa ra 3 phương án và đều cao hơn so với mức hiện nay là 30%, rõ ràng phù hợp với nhu cầu vốn hiện nay, như PV GAS theo kế hoạch đầu tư từ nay đến 2035 cần khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn tỷ để phát triển, tiếp tục củng cố hạ tầng khí, đặc biệt là kho cảng, … thì nếu quy định chỉ 30% như dự thảo của tháng 11 năm ngoái thì ko đủ vốn”, ông Trương Hồng Sơn bày tỏ.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cũng mong muốn quy định rõ nguyên tắc sử dụng quỹ này cho việc sử dụng vốn lưu động và nếu trong thẩm quyền, được phép tiếp chuyển để tăng vốn điều lệ.
Có thể bạn quan tâm
Đột phá tư duy trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
11:00, 17/07/2024
Sửa đổi Luật số 69/2014: Tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
03:50, 02/04/2024
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết nối, đồng hành cùng phát triển
08:43, 30/09/2023
Ông Nguyễn Cảnh Toàn giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
07:24, 16/08/2023