Phát triển công nghiệp văn hóa: Cần đồng bộ về hạ tầng
Để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ những nền tảng, “chất liệu” đã và đang có, chuyên gia cho rằng, cần phải đồng bộ về hạ tầng...
>> Phát triển công nghiệp văn hóa: Phải xóa ranh giới khu vực Nhà nước và tư nhân
Như đã thông tin, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Không chỉ có vậy, Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”.
Từ đó có thể thấy, phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Công nghiệp văn hóa đã và đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được cho vẫn còn nhiều bất cập, thách thức.
Có thể kể đến như công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế; nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm;…
Vì vậy, để công nghiệp văn hóa phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ những nền tảng, “chất liệu” đã và đang có, chuyên gia cho rằng, cần phải đồng bộ về hạ tầng...
>> Phát huy giá trị di sản phục vụ công nghiệp văn hóa
Xoay quanh vấn đề đã nêu, viện dẫn về thành công của Trung Quốc, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, cần nhìn lại “chất liệu” của chúng ta để hiểu được giá trị gì tính toàn cầu, địa phương. Đồng thời, cần để gắn kết giữa giải trí và giáo dục, giải trí phải chú ý đến tính giáo dục, trong đó tính toán cả nhân lực, vật lực. Nhân lực ở đây là con người biểu diễn và cả khán giả.
“Chúng ta nói đến biểu diễn nhưng chúng ta quan tâm nhiều đến lễ hội, mảnh đất màu mỡ chưa tận dụng hết đó là văn hóa địa phương. Chúng ta có thể thấy, khách du lịch đến nước nào cũng tìm hiểu về thiên nhiên, lịch sử, tâm linh, văn hóa”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam nêu quan điểm.
Theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam, việc phát triển du lịch, công nghiệp biểu diễn cần phải quan tâm đến yếu tố bền vững. Cảm xúc là sản phẩm đặc biệt, tồn tại ngoài vật chất, thế giới đang đánh mạnh vào cái này và chúng ta cần tận dụng để đưa giáo dục vào.
“Việt Nam cần bổ sung niềm tự hào trong cảm xúc, đó là cảm xúc thỏa mãn về niềm tự hào, một cái chúng tôi muốn theo đuổi. Tôi nghĩ rằng cũng cần bổ sung thêm giao diện online và offline để thể hiện sản phẩm đó. Online thì chúng ta đã nói nhiều như kỹ thuật số, không chỉ là biểu diễn mà bất kỳ điều nào là hiện tượng, định hướng và nhận thức. Phần offline, nếu chúng ta có nhân tài, chương trình lớn mà không có địa điểm, hệ thống chuyên nghiệp thì không thể nào thực hiện”, đạo diễn Phạm Hoàng Nam bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, hạ tầng để phát triển công nghiệp văn hóa của chúng ta hiện nay chưa đồng bộ. Mọi thứ không đồng bộ thì phát triển rất khó. Phải có tính đồng bộ thì mới tạo ra công nghiệp từ tầm tư duy đến những điều nhỏ nhất.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, qua thực tiễn 8 năm triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã nảy sinh một số tồn tại, hạn chế, vì vậy, cần tiếp tục xây dựng Chiến lược mới, nhằm phát huy mọi tiềm năng, cơ hội, giải quyết các thách thức để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị di sản văn hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng…
Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho hay, bản chất năng động của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đòi hỏi phải có những đánh giá thường xuyên, điều chỉnh kịp thời và thích ứng liên tục với bối cảnh mới đó để tối đa hóa nguồn lực hiện có, nắm bắt xu hướng phát triển của tương lai trong lĩnh vực này.
Đây là yêu cầu cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn đối với việc cần phải xây dựng một chiến lược mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát huy có hiệu quả hơn nữa tiềm năng văn hóa và sáng tạo của quốc gia; giải quyết các thách thức hiện nay về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững… để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển công nghiệp văn hóa: Phải xóa ranh giới khu vực Nhà nước và tư nhân
04:00, 11/07/2024
Phát huy giá trị di sản phục vụ công nghiệp văn hóa
16:32, 18/06/2024
Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP
15:23, 06/06/2024
Cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công nghiệp văn hóa
03:30, 03/06/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ căn cứ xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa
03:20, 02/06/2024