Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp ý xây dựng, hoàn thiện, nhiều ý kiến đề nghị, làm rõ căn cứ một số quy định về xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 Chương và 54 Điều, trong đó đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội trên một số lĩnh vực; thể chế hóa kịp thời các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị có liên quan đến các chính sách được thể hiện trong Dự thảo Luật.
Đặc biệt, về định hướng xây dựng phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Điều 21 cho phép TP. Hà Nội xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi bồi, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí địa lý, không gian văn hóa phù hợp quy hoạch.
Đồng tình với sự cần thiết phải có những cơ chế đột phá liên quan đến thúc đẩy phát triển các lĩnh vực của Thủ đô Hà Nội, trong đó có công nghiệp văn hóa, tuy nhiên, góp ý về nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách cần được xem xét, cân nhắc thêm.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Hà Nội cân nhắc việc xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa đối với bãi sông, bãi bồi và bãi nổi sông Hồng bởi khi có việc ảnh hưởng tới dòng chảy thì khó giải tỏa được, mặc dù nằm trong quy hoạch.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị làm rõ hơn các căn cứ để chỉ định cụ thể tại khoản 6 Điều 21 về việc TP. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn quy định về khu phát triển thương mại và văn hóa quy định tại khoản 7, Điều 21.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
Theo đại biểu, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định khu phát triển thương mại và văn hóa là tổ chức được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lại giao quyền cho khu phát triển thương mại văn hóa được thành lập hội đồng quản lý nhằm quản lý, điều hành hoạt động của khu. Hơn nữa, còn được quyết định các khoản thu để thực hiện nhiều nội dung chi trả như nêu trong Dự thảo Luật.
Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này bởi, việc quy định các khoản thu, danh mục, nguyên tắc căn cứ xác định mức thu, việc miễn giảm, việc thu nộp, quản lý và sử dụng các khoản thu trên địa bàn thành phố thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn phạm vi và đối tượng áp dụng các khoản thu này cho phù hợp và khuyến khích sự phát triển. Cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát kỹ các nội dung chi đảm bảo đúng mục đích…
Ngoài những vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, điểm b khoản 7 Điều 21 có nêu về chi cho hoạt động văn hóa, điểm d có nêu về việc đảm bảo các điều kiện về văn hóa, kinh doanh, phát huy giá trị văn hóa. Trong khi đó, yêu cầu của quy định này là phát triển khu thương mại văn hóa là chuỗi, làm sao phát triển thương mại gắn với văn hóa và cần định hình được văn hóa thương mại trong phát triển. Vì vậy, chính sách này cần được nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.
Cũng liên quan đến các vấn đề trong phát triển văn hóa tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo cần những cơ chế, chính sách phù hợp với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, việc Dự thảo Luật xác định yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh tiêu biểu cho văn hóa lương tri và phẩm giá con người Việt Nam là thể chế hóa đúng tinh thần nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước. Tuy nhiên, cần đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể để khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề hiệu quả, mang lại giá trị cuộc sống thiết thực.
Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước.
Góp ý về biểu tượng của Thủ đô quy định tại Điều 6, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng, biểu tượng của Thủ đô phải được bảo vệ, tôn tạo và duy trì theo quy định của pháp luật.
Đại biểu cho rằng, quy định này nhằm bảo vệ và duy trì biểu tượng là cần thiết để giữ gìn giá trị văn hóa và lịch sử, đảm bảo biểu tượng không bị xâm phạm hoặc xuống cấp theo thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
03:30, 31/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần tạo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật
03:30, 30/05/2024
Có những ưu điểm vượt trội của Luật Thủ đô 2012 bị “bỏ lỡ”
17:56, 28/05/2024
Sửa Luật Thủ đô: Tăng quyền để Hà Nội tháo gỡ những tồn tại, hạn chế
04:00, 28/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa
04:00, 26/04/2024