Để thủ đô Hà Nội thực hiện được những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất cần những cơ chế, chính sách vượt trội…
>> Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa
Theo đó, trong hơn 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012, bên cạnh những mặt tích cực, TP. Hà Nội cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó, bao gồm việc chưa tìm ra lời giải cho những “bài toán” dân sinh bức xúc như quy hoạch, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập úng… chỉ riêng một việc mà ai cũng thấy là cấp bách, cần phải làm, đó là cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nhưng vì còn vướng mắc rất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách nên dù đã được bàn đến không ít lần nhưng cho đến nay việc triển khai thực hiện không có nhiều chuyển biến.
Trước hiện trạng đã nêu, một số ý kiến cho rằng, để Hà Nội thực hiện được những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) rất cần những cơ chế, chính sách vượt trội, bao trùm trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội… có làm được như vậy, mới đáp ứng nhu cầu phát triển và xây dựng Thủ đô, cũng là đáp ứng nhu cầu phát triển chung cho đất nước.
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật (sửa đổi), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình xuất phát từ một trong những nguyên nhân quan trọng là cơ chế, chính sách không đầy đủ, không đồng bộ nên nhiều vấn đề “bị vướng”. Mặt khác, UBND TP. Hà Nội và chính quyền các cấp ở Hà Nội không đủ thẩm quyền để xử lý kịp thời những vấn đề của thành phố.
Theo ông Nghị, có rất nhiều vấn đề, nhiều công trình, dự án mà Hà Nội phải thỏa thuận, báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành. Và việc thiếu sự sâu sát, thấu hiểu của các bộ, ngành cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội. Bây giờ, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta đang rất quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế đó.
>> Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù
“Tôi nhận thấy lần này, sự đồng thuận của Quốc hội, dư luận rất cao về việc phân cấp, tăng quyền mạnh hơn và đi kèm là tăng trách nhiệm cho chính quyền thành phố. Tôi cho rằng, phương hướng tháo gỡ bằng cách phân cấp, tăng quyền như vậy rất là đúng đắn”, ông Nghị nhìn nhận.
Đáng chú ý, theo nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội - Phạm Quang Nghị, việc phân cấp, tăng quyền cho Hà Nội mạnh hơn sẽ tăng thêm quyền hạn, trách nhiệm, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
“Trước đây có việc không giải quyết được thì có thể đổ lỗi chậm trễ là do cơ chế, chính sách. Sắp tới, cơ chế chính sách đã có đủ hết nếu chậm thì chỉ có thể do lỗi của đội ngũ cán bộ thành phố. Vì vậy, việc phân cấp, tăng quyền mạnh hơn sẽ khuyến khích cán bộ Hà Nội phát huy tính năng động, chủ động, và cũng đặt lên vai cán bộ trách nhiệm lớn hơn”, ông Nghị chia sẻ.
Với mục tiêu xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập tại Thủ đô, một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này phải giải quyết được ba nhóm vấn đề lớn gồm: Thứ nhất, quy định để xây dựng, phát triển Thủ đô là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước; Thứ hai, quy định xây dựng, phát triển một địa phương có những vấn đề đặc thù của một thành phố, đô thị đặc biệt và thực hiện phương châm Thủ đô vì cả nước; Thứ ba, quy định để xây dựng, phát triển Thủ đô là hạt nhân trung tâm thúc đẩy sự phát triển và liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thể hiện tính bao trùm, tổng thể của một văn bản pháp lý ở bước ngoặt quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn, về quy hoạch; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, phân quyền cho UBND TP. Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (tương tự như đang thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh)… hay giao UBND thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử để huy động nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử.
Đặc biệt, Dự thảo Luật (sửa đổi) ảnh hưởng không chỉ người dân trên địa bàn mà còn đông đảo đối tượng khác. Do đó, cần có sự chỉnh sửa sâu sát, có cân nhắc những yếu tố an sinh, “lấy người dân làm trung tâm”, khuyến khích chính quyền “kiến tạo” và phát triển, thay vì chỉ đề ra những quy định kỹ thuật thuần túy hay chính sách vĩ mô mà lại thiếu kế hoạch thực thi. Đồng thời, cũng phải tránh chồng chéo trong quản lý, giảm thiểu những lúng túng khi triển khai hạn chế gây khó khăn cho cả người dân và các cơ quan quản lý khác.
Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương và 54 Điều (giảm 05 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 Điều, bỏ 07 Điều, bổ sung mới 02 Điều).
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Chính sách thu hút nhân tài cần vượt trội hơn nữa
04:00, 26/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Tạo dựng các cơ sở pháp lý mang tính đặc thù
03:40, 17/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết ưu tiên phát triển đường sắt đô thị
04:00, 13/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng
04:00, 09/04/2024
Sửa Luật Thủ đô: Phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường
04:00, 07/04/2024