Sửa Luật Thủ đô: Phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường

GIA NGUYỄN 07/04/2024 04:00

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp ý hoàn thiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể để giải quyết được các vấn đề về ô nhiễm môi trường…

>> Sửa Luật Thủ đô: Cụ thể hoá các ưu đãi để thu hút nhân tài

Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội được cho là đáng lo ngại, đặc biệt mới đây, UBND TP. Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, bao gồm: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô - Ảnh minh họa: ITN

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô trong những năm qua - Ảnh minh họa: ITN

Trong đó, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện có 17 khu công nghiệp; khoảng 800 làng có nghề, trong đó 318 làng được công nhận làng nghề; hơn 770.000 xe ô tô, gần 6 triệu xe máy lưu thông hằng ngày. Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, trực tiếp khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tăng…

Để giải quyết vấn đề đã nêu, Điều 28 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.

Trên địa bàn thành phố, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.

Đồng thời Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của HĐND TP. Hà Nội trong vấn đề bảo vệ môi trường.

>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc việc mở quá rộng cơ chế thử nghiệm

Một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung điều khoản cho phép HĐND TP. Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường - Ảnh minh họa: ITN

Một số ý kiến đề nghị, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung điều khoản cho phép HĐND TP. Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, ô nhiễm môi trường là vấn đề nổi cộm nhiều năm qua, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm các quy định, chế tài cụ thể để giải quyết được hiện trạng này.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, một vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay cũng như quy định tại các đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải là chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng phát triển khu dân cư, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường sống; vấn đề vệ sinh môi trường kém, ý thức tuân thủ quy định bảo vệ môi trường còn thấp, nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm nặng, nhếch nhác.

Từ đó, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, Dự thảo Luật (sửa đổi) bổ sung điều khoản cho phép HĐND TP. Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường, thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường, nhất là ở Thủ đô Hà Nội.

“Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được những việc khó như dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoài phạm vi trung tâm thành phố”, vị đại biểu này bày tỏ.

Còn theo đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho phát triển Thủ đô và người dân cả nước đến học tập, công tác. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ yêu cầu tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng từ 16 - 26%, tỷ lệ đất cho cây xanh khoảng 10m2/người vào năm 2030.

“Tỷ lệ đất dành cho giao thông và tỷ lệ đất cho cây xanh của Hà Nội hiện nay là bao nhiêu? Khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này hướng các chỉ tiêu như thế nào? Việc sửa đổi Luật có giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông hay không?”, đại biểu Đinh Ngọc Minh băn khoăn.

Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ chế để giải quyết các vấn đề nêu trên vào Điều 28 về bảo vệ môi trường và Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông của Dự thảo Luật (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nhìn nhận về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội – Vương Đình Huệ cũng cho rằng, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, vấn đề tắc nghẽn giao thông, vấn đề xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô. Do đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này cần phải nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.

Được biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thủ đô: Cụ thể hoá các ưu đãi để thu hút nhân tài

    Sửa Luật Thủ đô: Cụ thể hoá các ưu đãi để thu hút nhân tài

    03:30, 29/03/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc việc mở quá rộng cơ chế thử nghiệm

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc việc mở quá rộng cơ chế thử nghiệm

    04:00, 27/03/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược

    Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược

    04:30, 02/03/2024

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ các quy định đặc thù liên quan đến vùng Thủ đô

    Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ các quy định đặc thù liên quan đến vùng Thủ đô

    04:00, 22/12/2023

  • Sửa Luật Thủ đô: Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát

    Sửa Luật Thủ đô: Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát

    04:00, 21/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thủ đô: Phải giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO