Để tránh tình trạng lạm dụng chính sách, góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cơ quan thi hành…
>> Sửa Luật Thủ đô: Tạo môi trường cho người tài phát huy năng lực
Luật Thủ đô được cho là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, việc sửa đổi Luật này đề ra không chỉ phải bám sát các cơ sở chính trị về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô trên tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, mà còn phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, đặc biệt, vượt trội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ.
Thực tế cho thấy, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá đã khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực; các cơ chế, chính sách được thiết kế khá rõ ràng, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thủ đô hiện hành, luật hóa các nội dung đã, đang thí điểm tại Hà Nội và một số địa phương khác, đồng thời có những chính sách để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô với tư cách là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia.
Đặc biệt, về tổ chức chính quyền đô thị, so với Luật Thủ đô hiện hành và Pháp lệnh Thủ đô năm 2000, một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là việc bổ sung các quy định về “Chính quyền tại Thủ đô” tại Chương II, tập trung vào các nhóm nội dung như: Luật hóa mô hình chính quyền đô thị và bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn dành riêng cho các cấp chính quyền Thành phố Hà Nội về tổ chức bộ máy khác với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bổ sung quy định đặc thù về biên chế và chế độ công vụ, công chức trên địa bàn Thành phố.
>> Cân nhắc cơ chế ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô
Đánh giá cao về những vấn đề Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất, đặc biệt là việc giao Thường trực HĐND Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trong thời gian HĐND Thành phố không họp (khoản 4 Điều 9) để tăng cường sự chủ động của chính quyền Thành phố trong việc quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Tuy nhiên, góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội kiến nghị, cần bổ sung về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của Thường trực HĐND Thành phố khi ra quyết định, tránh lạm dụng. Riêng đối với việc quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ một số hoạt động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 36 của Dự thảo Luật cần cân nhắc bổ sung quy định về giới hạn định mức hỗ trợ cụ thể để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Bên cạnh góp ý đã nêu, về quy định thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng (điểm b khoản 1 Điều 9) và quy định cho phép người đứng đầu cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm (tại khoản 2 Điều 16), dẫn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, việc quản lý biên chế đang được thực hiện tập trung, thống nhất theo Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị (bao gồm cả việc sử dụng biên chế dự phòng khi cần thiết) nên quy định của Dự thảo Luật có thể dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền và không bảo đảm thống nhất trong thực hiện.
Do đó, để thành phố Hà Nội có cơ chế được chủ động hơn về nguồn lực đáp ứng yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế, đại biểu này cho rằng, cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền và nghiên cứu chỉnh lý các quy định này theo hướng cho phép Thành phố được thực hiện như tinh thần tại khoản 2 Điều 16 nhưng cần bổ sung quy định trách nhiệm của HĐND Thành phố trong việc xác định lĩnh vực, vị trí việc làm cần được tăng cường nguồn lực thông qua hình thức hợp đồng; đồng thời, quy định khống chế một tỷ lệ nhất định trong tổng ngân sách chi thường xuyên của từng cấp để phục vụ cho mục đích này.
Xoay quanh vấn đề kiểm tra, giám sát, trước đó, không ít ý kiến cũng đề xuất, các cơ chế, chính sách được thiết kế trong Dự thảo Luật (sửa đổi) phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua việc quy định cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Tạo môi trường cho người tài phát huy năng lực
04:00, 12/12/2023
Cân nhắc cơ chế ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô
04:00, 10/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn
04:00, 05/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
04:00, 02/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô
04:00, 30/11/2023