Đồng tình với cơ chế đặc biệt được ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật, thế nhưng, theo chuyên gia, quy định này tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn chưa thực sự hợp lý…
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn
Nhằm tạo cơ chế, chính sách thực sự đột phá, vượt trội cho Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 của Dự thảo.
Cụ thể, khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực.
Khoản 2 Điều 4 quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, không đương nhiên áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nếu có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng vấn đề. Trong trường hợp này, theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô hay áp dụng quy định của Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng Luật, Nghị quyết đó.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đã yêu cầu, khi xây dựng các Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thì các bộ, cơ quan ngang bộ phải rà soát các quy định của Luật Thủ đô, nếu có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô thì cần thống nhất ý kiến với chính quyền TP. Hà Nội trong việc xác định việc áp dụng theo Luật Thủ đô hoặc áp dụng theo Luật, Nghị quyết đó (khoản 2 Điều 55 Dự thảo).
Đồng thời, Dự thảo Luật giao UBND TP. Hà Nội nhiệm vụ “tham gia ý kiến về các Dự án Luật, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến các chính sách, cơ chế đặc thù quy định tại Luật Thủ đô” (điểm d khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật).
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
Lý giải về quy định đã nêu, cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định này trong Dự thảo Luật (sửa đổi) có thể làm phát sinh thêm trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sẽ phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô, vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đồng tình với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được áp dụng cơ chế đặc biệt trong hệ thống pháp luật, thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung của quy định này chưa bao quát hết các “trường hợp có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô” tại khoản 2 Điều 4, cụ thể quy định này mới chỉ xử lý trường hợp có quy định thuận lợi hơn so với Luật Thủ đô, chưa đề cập trường hợp có quy định nghĩa vụ cao hơn, chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc hơn trong các lĩnh vực mà Thủ đô cũng rất cần áp dụng.
Chưa kể, quy chế này mới chỉ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ mà chưa quy định trách nhiệm của các chủ thể khác được giao chủ trì soạn thảo Luật, Nghị quyết của Quốc hội (như Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân Tối cao, đại biểu Quốc hội…) trong trường hợp có các quy định khác với Luật Thủ đô. Ngoài ra, chưa quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền quyết định cuối cùng về việc áp dụng Luật trong trường hợp cơ quan chủ trì soạn thảo Luật, Nghị quyết và chính quyền TP. Hà Nội không thống nhất được ý kiến về việc áp dụng Luật.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), PGS.TS Đặng Minh Tuấn - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quy định này phù hợp để tạo cơ sở pháp lý xử lý xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô với các Luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực. Quy định theo hướng ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô trong trường hợp có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật Thủ đô thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.
Tuy nhiên, quy định này trong Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng không thực sự hợp lý khi quy định chung trong trường hợp “văn bản quy phạm pháp luật khác”. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất rộng, không chỉ bao gồm các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, mà còn bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới, kể cả của các cấp chính quyền địa phương.
Với những lập luận nêu trên, PGS.TS Đặng Minh Tuấn đề xuất, nên cân nhắc điều chỉnh khoản 2 Điều 4 theo hướng: “Trường hợp Luật, Nghị quyết khác của Quốc hội có quy định có lợi hơn quy định của Luật này thì đối tượng được lợi được lựa chọn áp dụng quy định có lợi nhất”.
Còn theo Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - Nguyễn Tạo, nhằm bảo đảm tính khả thi cao của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khi có hiệu lực, cần có quy định, nếu có những nội dung mới, bàn cùng một vấn đề về quan hệ pháp luật thì khẳng định văn bản áp dụng phải là Luật Thủ đô.
“Bởi lẽ, Luật Thủ đô hàm chứa đầy đủ các nội hàm mang tính đặc thù riêng biệt, cơ chế, chính sách đặc biệt và có tính chất khác biệt so với các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu quy định pháp luật ban hành sau có tranh chấp thuận lợi hơn cho công cuộc xây dựng phát triển Thủ đô, bảo vệ Thủ đô thì văn bản phải quy định rõ, bảo đảm việc áp dụng quy định của các quy định pháp luật được ban hành sau”, ông Nguyễn Tạo bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cần có cơ chế, chính sách đột phá hơn
04:00, 05/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ phạm vi áp dụng
04:00, 02/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần cụ thể các nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô
04:00, 30/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần thiết bổ sung quy định về quy hoạch đô thị ven sông
04:00, 28/11/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất
04:00, 27/11/2023