Trước đề xuất quy định miễn trách nhiệm pháp lý và thử nghiệm có kiểm soát tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp ý hoàn thiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu thận trọng.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược
Theo đó, tại Điều 25 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Dự thảo quy định, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế, với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp...
Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; quy mô thử nghiệm... Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.
Đặc biệt, theo Dự thảo, UBND TP. Hà Nội dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Được cho phép quyết định miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp...
HĐND TP. Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm được miễn trách nhiệm pháp lý khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quy định miễn trừ này không áp dụng với trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không tiến hành các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
>> Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ các quy định đặc thù liên quan đến vùng Thủ đô
Đồng tình với việc cần có cơ chế đặc thù, nổi trội cho TP. Hà Nội tại Luật Thủ đô (sửa đổi), thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, đề xuất đã nêu cần được xem xét, cân nhắc một cách thận trọng, để tránh những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình áp dụng.
Nhìn nhận về đề xuất đã nêu tại Dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng, Dự thảo luật quy định về thử nghiệm có kiểm soát “không rõ giới hạn”, có chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể.
“Có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư... thuộc phạm vi Hiến pháp quy định thì sẽ xử lý như thế nào?”, ông Khải đặt vấn đề.
Theo ông Khải, việc giao quyền cho HĐND TP. Hà Nội quyết định cần quy định điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện để tránh áp dụng tuỳ tiện hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật.
Do vậy, vị đại biểu này đề xuất, cần sửa quy định Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù.
“Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan dễ sơ hở”, vị đại biểu này bày tỏ.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, phạm vi quy định như Dự thảo Luật (sửa đổi) còn tương đối rộng. Vì vậy, có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như tài chính, chuyển đổi số, AI…
Đồng thời cho hay, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà gắn với rủi ro cần loại trừ một số trách nhiệm, do vậy cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này.
“Phần cơ chế kiểm soát đang quy định quá chặt và có lẽ sẽ khiến ít doanh nghiệp, cá nhân nào dám thử nghiệm”, vị này nhìn nhận.
Xoay quanh vấn này, một số ý kiến cũng cho rằng, đề xuất tại Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm, mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, cần xem xét bổ sung các quy định này trong luật.
Được biết, liên quan vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra và chủ trì việc chỉnh lý Dự thảo đánh giá, đề xuất là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm nên đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược
04:30, 02/03/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cần làm rõ các quy định đặc thù liên quan đến vùng Thủ đô
04:00, 22/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Cần bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát
04:00, 21/12/2023
Sửa Luật Thủ đô: Tạo môi trường cho người tài phát huy năng lực
04:00, 12/12/2023
Cân nhắc cơ chế ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô
04:00, 10/12/2023