Xây dựng chuỗi giá trị tôm an toàn, bền vững hơn
Diện tích nuôi tôm của Việt Nam đã tăng từ mức 644 nghìn ha năm 2012 lên 737 nghìn ha năm 2022.
>>Doanh nghiệp ngành tôm nỗ lực “vượt sóng”
TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN):
Sản lượng tôm thu hoạch từ mức 463 nghìn tấn năm 2012 lên 1 triệu tấn năm 2022. Nhìn tổng thể, ngành nuôi tôm đã đạt được mục tiêu về diện tích và sản lượng. Thế nhưng giá trị xuất khẩu tôm “dậm chân tại chỗ” từ năm 2018 đến nay, khiến mục tiêu về kim ngạch 10 tỷ USD ngày càng xa vời. Kết quả hoạt động ngành tôm 5 tháng đầu năm 2024 tuy có tín hiệu lạc quan, nhưng tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung đầy bất trắc.
Nguyên nhân khiến sản lượng thu hoạch và xuất khẩu liên tục tăng, nhưng kim ngạch không tăng tương ứng là do giá xuất khẩu tôm bình quân hiện nay chỉ còn bằng 2/3 so với cách đây 5 năm.
Mùa thả nuôi tôm mới năm 2024 đã diễn ra khoảng 2 tháng, thế nhưng các vùng nuôi lớn chưa thấy sinh khí từ những guồng quạt đưa nước tung trắng xóa dưới nắng sớm. Điều này cho thấy hiện giờ các cơ sở nuôi vẫn còn chờ đợi, dù chưa biết chờ điều gì rõ ràng: Giá cả đầu ra gia tăng hay thời tiết thuận hơn hay các vật tư đầu vào cải thiện hơn… Dẫn đến dự báo khi xuất khẩu thực sự phục hồi rõ ràng, thì các nhà máy chế biến tôm sẽ có nguy cơ đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu.
Vì vậy, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) sẽ có trao đổi các bên liên quan, nhất là ngành cung ứng tôm giống, để tìm cách ứng xử phù hợp. Trên nền tảng đó, những gì quá khó ngoài tầm với của các bên thì báo lên bộ, ngành đề nghị hỗ trợ kịp thời.
Muốn ngành tôm vượt qua khó khăn, tất cả đang trông chờ vào thiện chí của các bên trong việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm an toàn, bền vững hơn. Các bên không thể chần chừ, không ỷ lại và hãy chung tay tham gia chuỗi ngành hàng phối hợp cùng cơ quan chức năng liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương, VASEP kịp thời cung cấp thông tin cung cầu và các yếu tố tác động trên thế giới...
Có thể bạn quan tâm